Tuyên Quang đã xây dựng thành công 10 xã trọng điểm từng bị ảnh hưởng tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thành các xã điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đã được rút ra, nhiều mô hình tốt, cách làm hay được nhân rộng để đồng bào không chỉ sống trong bình yên mà còn "thay da, đổi thịt", biến những chuyện tưởng chừng như không bao giờ trở thành hiện thực. |
GIỮA trời thu tháng 8, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi chứng kiến những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, 109 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã vào lăng viếng Bác. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên được về Thủ đô. |
Công an tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức cho các đại biểu là điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Tuyên Quang. |
Ông Lý Văn Phình ở thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh (Yên Sơn) tâm sự: “Trước đây cán bộ đến nhà, bảo được đi về thủ đô tôi còn ngại, mình có biết gì đâu mà đi, rồi cán bộ, các đồng chí công an vận động mãi tôi cũng xuôi. Về Thủ đô là lần đầu tiên, lúc ấy mới biết đất nước mình giàu mạnh thế, hôm vào lăng viếng Bác trang trọng, xúc động lắm, được xem phim tư liệu, nghe chuyện về Bác, chụp ảnh lưu niệm, còn được tặng huy hiệu có in hình của Bác, tôi về để vào vị trí trang trọng trong nhà cho vợ con xem, biết mình đi thật, về Thủ đô thật". |
Thiếu tá Lương Hoàng Vịnh, Phó trưởng Công an huyện Yên Sơn tặng ảnh kỷ niệm cho ông Phình |
Không chỉ là lần đầu tiên về với Thủ đô, nhiều đại biểu khi về đến thành phố Tuyên Quang, tỏ lòng thành kính, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Quảng trường Nguyễn Tất Thành cũng ngạc nhiên về sự đổi thay của quê hương. Chị Hoàng Thị Chợ ở thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) chia sẻ: "Người Mông không cho con đến trường, không làm kinh tế, không biết đến tiện nghi, cuộc sống trong những ngày dài tăm tối kia giống như một cơn ác mộng vậy, ra ngoài mới biết cuộc sống bây giờ hiện đại thế. Trong bữa ăn được các cán bộ mời, tôi đã khóc vì biết đến cuộc sống mới, tôi phải cho con đi học đầy đủ, hai vợ chồng phải cố gắng làm kinh tế, không sống như xưa nữa". |
Đoàn đại biểu dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Tuyên Quang. |
Một chuyến đi hơn trăm lời muốn nói, các đại biểu được mắt thấy, tai nghe những điều cán bộ vẫn thường nói để từ đó chính họ nhìn ra con đường sáng phía trước, tin theo Đảng, theo Bác Hồ, tin theo những người cán bộ, công an suốt bao năm vất vả kéo họ ra khỏi “vùng tăm tối”. |
KỂ từ khi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình bị xóa bỏ, người Mông ở những vùng bị ảnh hưởng đã mạnh dạn hơn, họ cùng với người dân trong thôn, trong xã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Những buổi giao lưu ấy, tiếng cười nói vang lên không ngớt. Riêng 2 xã Hùng Lợi và Trung Minh (Yên Sơn) đã thành lập, duy trì 7 Câu lạc bộ Bảo tồn, giữ gìn, phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng với trên 130 thành viên. Điều đặc biệt, tại buổi ra mắt các câu lạc bộ, có vợ, con của một số người trước đây là đối tượng cốt cán trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tham gia rất sôi nổi nhiệt tình. |
Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là đông vui nhất bởi bà con có mặt đông đủ, người Mông ca hát, đặc biệt còn hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Họ chưa nói rõ tiếng phổ thông, khi hát còn phải nhìn lời nhưng giai điệu thì đã vô cùng chính xác, bài hát ấy như tiếp thêm niềm vui, động lực cho đồng bào mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm để ngày càng tiến bộ. |
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã giúp bà con người Mông bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. |
Trước đây, chắc khó ai tin được người Mông đón Tết cùng người Kinh, gói bánh chưng vuông, thế mà Tết vừa rồi, người Mông ở Yên Phú (Hàm Yên) đã làm điều ấy cùng với các đồng chí công an xã. Họ tổ chức vui xuân chung với cả xã, học gói bánh chưng vuông với các đồng chí công an, đồng chí Trưởng công an xã đã kỳ công mang theo hơn chục khuôn gói bánh cùng rất nhiều lá dong để vào gói với đồng bào. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, cho sự đoàn kết và thật hạnh phúc biết bao khi người Mông hôm nay đã hòa vào dòng chảy chung của dân tộc. |
Lực lượng Công an và bà con người Mông xã Yên Phú (Hàm Yên) cùng tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết. |
Công an các cấp cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức giao lưu bóng đá. Năm vừa qua, thanh niên người dân tộc Mông 4 xã Hùng Lợi, Yên Lâm, Linh Phú, Tri Phú đã cùng nhau tham gia giải giao hữu bóng đá. Sức hút từ môn thể thao vua đã xóa tan đi những rào cản về khoảng cách, dân tộc, cống hiến, lăn xả hết mình với trái bóng tròn trước sự cổ vũ đông đảo, nhiệt tình của người dân. |
Giao hữu bóng đá giữa các cán bộ chiến sỹ công an với các thành niên người Mông |
Giờ đây bà con người Mông đã chấp hành nghiêm chỉnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bởi bà con hiểu những điều mới là những điều tốt, điều hay, mang lại cho họ cơ hội bước sang trang mới tươi sáng của cuộc đời. |
Bà con người Mông ở thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thực hiện mô hình điểm về nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang |
THÁNG 12, trong chút nắng hanh hiếm hoi còn lại thì những vườn na trái vụ của đồng bào Mông, khu Gò Đá, xã Yên Phú (Hàm Yên) đang chín rộ. Mùi na chín tỏa hương khắp cả khe núi, triền đồi. Sống trong không khí đổi mới, người Mông không ngại bám đá, chắt chiu đất màu để biến đồi hoang thành vườn cây ăn trái cho thu nhập cao. Anh Dương Văn Bình, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú cho biết, cuộc sống đổi thay, mình cũng không thể tụt hậu, cái mới, cái hay mình phải học nhất là cách làm kinh tế. |
Anh Dương Văn Bình
Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn 1A Thống Nhất không giấu nổi niềm vui khi người Mông trong thôn giờ đây đã hòa hợp, đồng hành cùng phát triển với người dân cả thôn. Mỗi buổi họp thôn không còn không khí căng thẳng như trước nữa mà thay vào đó là những câu chuyện về sự đổi thay của quê hương, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo để người dân trong thôn đoàn kết một lòng. Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cam chín vàng rực, ông tự hào nói, thôn bây giờ có hơn 30ha cây ăn quả chất lượng cho thu nhập cao trong đó đóng góp của đồng bào Mông chiếm một phần không nhỏ. Nhà nào cũng có của ăn, của để, buổi tối đi trên con đường bê tông với đường điện thắp sáng trải dài lòng ai cũng hân hoan. Trước đây khi đường chưa được làm, nhiều chuyến na của bà con chở ra chợ bán, qua đường ghập ghềnh bị hỏng hơn phân nửa, nay thì đường lớn, êm ru, vận chuyển gì cũng tiện. Thôn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện nên bà con phấn khởi, thấy cán bộ đến thì mừng lắm nhiều người dân còn hái nông sản tặng cho cán bộ về làm quà. |
Vườn cây ăn quả ở thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên). |
Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn 1A Thống Nhất
Lời chia sẻ của ông Bình cũng trùng hợp với câu chuyện mà Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đã từng chia sẻ. Đại tá Thùy cho biết, sau bao ngày tuyên truyền, vận động, bà con người Mông ở nhiều địa phương đã coi cán bộ và các đồng chí công an như người thân trong gia đình. Các cán bộ, chiến sỹ được bà con người Mông ở Gò Đá mang trái cây đầu vụ xuống tận trụ sở Công an tỉnh tặng. Phần quà ấy, tấm lòng ấy đã minh chứng cho tình quân dân gắn kết, cho những nỗ lực vượt gian khó suốt bao năm qua của các chiến sỹ công an xuống cơ sở gắn kết với đồng bào. |
Bà con người Mông ở Gò Đá mang trái cây mới thu hoạch xuống tận trụ sở Công an tỉnh tặng cho các cán bộ, chiến sỹ. |
Gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương), anh Lý Văn Súa nhận thức sâu sắc rằng: Mọi việc muốn thuận lợi, thành công chỉ khi phát huy được sức mạnh tập thể như lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Những năm qua, bằng uy tín, trách nhiệm của mình, anh Súa đã tạo dựng nhịp cầu kết nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cán bộ, đảng viên trong thôn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân trong mọi công việc. Thôn Tân An, xã Đông Thọ có 145 hộ, trong đó 143 hộ là người dân tộc Mông. Nếu trước đây, anh Súa phối hợp cùng lực lượng công an phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền thì nay người Mông ở Tân An đã tích cực thi đua sản xuất nâng cao đời sống. Nhân dân trong thôn đã trồng được hơn 100 ha keo, hơn 10 ha mía. Trung bình mỗi gia đình nuôi từ 2 đến 5 con trâu, bò nhốt chuồng, tạo nguồn thu nhập ổn định. |
Nhiều mô hình kinh tế mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người Mông ở thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương). |
Vừa nhận 200 con gà giống theo chương trình của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chị Hoàng Thị Đơ, thôn Lè xã Hùng Lợi (Yên Sơn) lại tất bật chạy lên căn nhà mới xây để dọn dẹp, chuẩn bị vào nhà mới trước thềm Tết Nguyên đán. Căn nhà khang trang, nền gạch hoa sáng bóng, nước sơn vẫn còn chưa khô hẳn. Nhìn sang căn nhà lụp xụp trước đây, chị Đơ không khỏi xúc động, có lẽ chỉ vài năm trước thôi chị không nghĩ mình cùng gia đình sẽ sống trong căn nhà kiên cố, đẹp đẽ như bây giờ. Sự đổi thay đến từ nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của nhà nước đã giúp chị vững tâm bước ra khỏi “vùng tối” để nhận lấy ánh sáng tương lai. |
Chị Hoàng Thị Đơ, thôn Lè
Chị Hoàng Thị Dung, thôn Lè
“Tết này có điện, Tết này có đường” là những câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất khi có mặt ở thôn Khun Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Đến cả những đứa trẻ đang học lớp 1, lớp 2 cũng háo hức với điều này, chúng kể lại việc cột điện được xây thế nào, máy xúc đang làm việc ra sao với nụ cười rạng rỡ. |
Người Mông ở thôn Khun Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) tự nguyện di chuyển nhà đến chỗ ở mới để thuận lợi cho việc mở đường giao thông. |
Thượng úy Mã Đức Hiển, Phó Trưởng Công an xã kể lại, từ ngày dự án điện và đường về với thôn, bà con người Mông nơi đây vô cùng phấn khởi, nhà nào hiến đất ít thì cũng vài chục mét vuông, nhà nào nhiều cũng vài trăm mét vuông, thậm chí có gia đình di chuyển hẳn ngôi nhà đang ở để làm đường sao cho thật to, thật đẹp. Bà con đang ấp ủ nhiều dự định lắm. |
Người Mông ở Khun Làn phấn khởi khi được nhà nước đầu tư điện, đường và nhà văn hóa. |
Ông Phùng Văn Dinh, thôn Khun Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).
Giờ đây, ở các xã điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, kinh tế của bà con không còn khó khăn như trước, kinh tế đi lên, người Mông bắt đầu xây nhà mới, cho con đến trường học tập, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè. |
Điểm trường mầm non ở thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) được xây dựng khang trang. |
Trong những ngôi trường mầm non khang trang thơm mùi nắng mới, các em học sinh người Mông, người Tày, người Kinh… cùng nhau học hát, học múa, vui chơi ở sân trường, tiếng cười nói ríu rít của các em vang lên giòn tan trong gió. Các cô giáo ở đây kể rằng, bố mẹ các em trước đây không cho con đến trường, ở nhà đứa lớn trông đứa bé, không học tiếng phổ thông, nhưng nay khác rồi, được tuyên truyền, vận động, nhà nước hỗ trợ tiền ăn học, các em được bố mẹ đưa đến trường hàng ngày. Thời gian đầu các em không quen, khóc suốt nhưng các cô đã dẫn dắt để các em quen với các bạn, dạy các em nói tiếng phổ thông để học thêm nhiều bài hát, bài thơ mới. |
Niềm vui của các bé khi được đến trường. |
Những thành quả trong công tác đấu tranh, dân vận không phải đạt được trong một sớm, một chiều mà đó là đích đến của cả một quá trình lâu dài, trải rộng qua nhiều địa bàn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể. Bởi vậy, Công an Tuyên Quang xác định, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phải được duy trì thường xuyên, liên tục, đặc biệt là ở 10 xã đã đạt điển hình, không chủ quan, không thỏa mãn, không “đánh trống bỏ dùi’’. |
Sức sống mới ở vùng đồng bào Mông. |
Để giữ vững thành quả ấy, duy trì và củng cố vững chắc nền móng cho các xã điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng công an Tuyên Quang tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện một số giải pháp, trọng tâm là: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia xây dựng cơ quan, xã, phường điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, vận dụng linh hoạt tác phong dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Đặc biệt là xây dựng vững chắc thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. |
Gửi phản hồi
In bài viết