“Ngôi nhà" của người Dao

- Hiện nay, Tuyên Quang có khoảng 100.000 người Dao, là dân tộc thiểu số đông thứ 2 sau dân tộc Tày. Dân tộc Dao phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, với nhiều ngành: Dao Đỏ, Dao tiền, Dao Quần chẹt, Dao Quần trắng, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Thanh y, Dao Ô gang, Dao Áo dài...

Để thống nhất trong sự đa dạng của dân tộc mình, những người tâm huyết với dân tộc Dao trong tỉnh đã cùng nhau quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa dân tộc Dao tỉnh từ năm 2014. Đến nay, gần 10 năm hoạt động Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh đã khẳng định tính hấp dẫn, tính hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Dao trên địa bàn tỉnh.

Người Dao Ô gang xã Trung Minh (Yên Sơn) sưu tầm bảo tồn sách cổ.

Ông Bàn Xuân Triều, dân tộc Dao đỏ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh cho biết, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh có 12 người, trong đó có 1 Chủ nhiệm, 3 Phó Chủ nhiệm và các thành viên khác phụ trách đứng đầu các ngành Dao. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có trên 30 câu lạc bộ, nhóm câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao hoạt động tích cực, sôi nổi ở cơ sở, thôn bản có nhiều cộng đồng người Dao sinh sống.

Gần 10 năm hình thành và phát triển Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh đã làm được nhiều việc. Đầu tiên là khơi dậy niềm tin cho đồng bào 9 ngành Dao trong tỉnh phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà tổ tiên để lại. Thứ hai thống nhất được việc tổ chức sinh hoạt văn hóa của 9 ngành Dao, tạo ra sự đa dạng trong thống nhất, có sự phối hợp, gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, các tác giả trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh đã có nhiều bài nghiên cứu nổi bật như: "Tiếng tù và gọi Ngọc Hoàng của người Dao đỏ ở Tuyên Quang", bài sưu tầm và dịch thuật "Hát đối đáp trong lễ cưới, hỏi", bài nghiên cứu "Tính nhân văn trong bộ sách dạy và học tiếng Nôm Dao", sưu tầm tài liệu về "Xác minh và phân loại tên gọi của các ngành Dao tỉnh Tuyên Quang", sưu tầm thư bản cổ "Bình Hoàng thắng điệp và Quá sơn bảng văn", tham gia thực hiện đề tài "Trang thờ với đại lễ cúng của người Dao Tuyên Quang", bài nghiên cứu "Sách cổ với tín ngưỡng của người Dao Tuyên Quang", sưu tầm và dịch thuật bộ "Sư thơ sách"; đề tài nghiên cứu "Nghi lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ Tuyên Quang", đề tài "Nghiên cứu nguồn gốc người Dao qua sách cổ và nghi lễ cổ”...

Người Dao tiền xã Tân An (Chiêm Hóa) bảo tồn nghề thêu.

Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh cũng giúp việc mở lớp dạy tiếng Dao cho cán bộ, giáo viên của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, học thêu hoa văn trang phục Dao cho thế hệ trẻ người Dao. Đồng thời chỉ đạo thành lập đội văn nghệ xung kích của 9 ngành Dao trong tỉnh, là hạt nhân tinh thần cho người Dao ở cơ sở.

Ông Hoàng Văn Bích, xã Lang Quán (Yên Sơn), phụ trách ngành Dao Quần trắng khẳng định, từ khi Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh đi vào hoạt động, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc người Dao có nhiều khởi sắc. Từ đó góp phần từng bước bảo tồn tiếng nói, chữ viết, nghi lễ tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, trò chơi truyền thống, kiến trúc nhà ở, các bài thuốc nam quý...

Hằng năm, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh phối hợp tốt với ngành Văn hóa tỉnh trong việc tuyển chọn diễn viên, nghệ nhân người Dao đi tham gia công diễn tại các hội thi, hội diễn, liên hoan ở tỉnh, khu vực, toàn quốc, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu hệ thống thầy cúng giỏi ở các ngành Dao.

Để Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa dân tộc Dao tỉnh hoạt động ngày một tốt hơn nữa, theo ông Bàn Xuân Triều, Câu lạc bộ phải biết dựa vào chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; biết tranh thủ, khai thác tri thức người Dao là các thầy cúng, nghệ nhân. Người Dao phải nhận thức rõ việc bảo tồn văn hóa dân tộc Dao là trách nhiệm của chính dân tộc Dao.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục