Hiện nay một số địa phương khôi phục lễ hội giã cốm.
Vừa qua, tập quán trồng lúa nước của đồng bào Tày ở Lâm Bình đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong đó, lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ thể hiện rõ tập quán trồng lúa nước; là một hình thức tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh. Vì vậy, việc khôi phục lễ hội này cần được được duy trì trong đời sống đồng bào Tày.
Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm nghi thức: Rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm cầu bình an; cúng thần linh - cầu phúc và tạ ơn. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian đặc sắc.
Để có những mẻ cốm thơm ngon cần đôi bàn tay sàng sẩy khéo léo của người phụ nữ.
Vào ngày này, mỗi người một công việc từ chuẩn bị đồ lễ đến sửa soạn ban thờ, vừa là thể hiện lòng thành nhưng cũng là để thế hệ trẻ hiểu về tín ngưỡng của cha ông để thực hành, duy trì. Đặc biệt, mỗi gia đình sẽ cử một thành viên có vai trò quan trọng ra thửa ruộng cắt lấy những bông lúa đẹp nhất về nhà. Những bông lúa này sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên, báo cáo với tổ tiên về thành quả lao động sản xuất năm qua; đồng thời cầu mong tổ tiên phù hợp một vụ mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Trong mâm lễ dâng tổ tiên, không thể thiếu hai món chính là từ hạt gạo đó là xôi ngũ sắc và cốm. Để có món xôi ngũ sắc, trước đó 1 ngày các bà, các mẹ lên rừng lấy lá cây rừng, gọi là cây cơm đỏ, cơm đen về đun, lấy nước ngâm gạo đồ xôi. Gạo nếp để làm xôi ngũ sắc cũng là loại nếp mới của vụ mùa, hạt gạo chắc mẩy, dẻo thơm.
Cùng với xôi ngũ sắc, đồng bào Tày còn làm món cốm truyền thống. Hiện nay, một số địa phương tổ chức lễ hội giã cốm. Lễ hội giã cốm không chỉ có ý nghĩa đối với người sản xuất nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Bởi lẽ, sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa nông dân muốn có hạt cốm thơm để dâng lên tổ tiên, cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, giúp họ gặp nhiều may mắn trong lao động, sản xuất.
Trong lễ Kin khẩu mẩu, những bó lúa tươi mới sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Công đoạn làm cốm khá tỷ mỉ. Đầu tiên, các bó lúa sẽ được chia nhỏ và đặt lên các vỉ đan bằng tre tươi, sau đó đặt lên miệng lò rực lửa. Qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, chị, những bông lúa được lật đi, lật lại liên tục đảm bảo cho hạt lúa nếp chín đều. Muốn có mẻ cốm thơm ngon, chuẩn vị, các bà, các mẹ phải vò cốm, để nguội rồi mới giã, nếu còn ấm ấm phải giã nhẹ nhàng, đảm bảo hạt cốm không bị dập nát. Cốm làm xong được gói trong lớp lá chuối rừng hoặc lá dong để giữ hương vị đặc trưng. Người dân chọn mẻ cốm ngon nhất, gói vuông vắn để dâng lên tổ tiên.
Sau khi buổi lễ kết thúc, anh em dòng tộc cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng, đoàn kết. Người già giải thích cho người trẻ về ý nghĩa của lễ hội kin khẩu mẩu; người trẻ lắng nghe, tiếp thu, từ đó duy trì trong từng nếp nhà.
Hiện nay, các địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch khôi phục một số nghi lễ trong tập quán canh tác trồng lúa nước của đồng bào Tày. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, các hoạt động trong lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ, đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Tày xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết