Các thành viên cao tuổi CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao xã Yên Nguyên tập luyện điệu múa chuông.
Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, Tuyên Quang là mảnh đất giàu bản sắc văn hoá, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét đặc sắc riêng về văn hoá. Tuy nhiên, ở một số địa phương, bản sắc văn hoá có nguy cơ bị mai một do sự ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đứng trước thực trạng đó, những người cao tuổi tâm huyết với văn hoá dân tộc ở các địa phương đã tập hợp thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hoá để khôi phục, duy trì tiếng hát, điệu múa, tiếng nói, trang phục… truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã hơn 70 tuổi, không chỉ là người có uy tín trong thôn, ông còn là người tâm huyết với văn hoá dân tộc Sán Dìu. Nhiều năm qua, ông say sưa sưu tầm, phổ biến các bài hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng, tổ chức thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai.
Ban đầu, CLB mới chỉ có 35 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi ở các thôn có đông đồng bào Sán Dìu trên địa bàn xã tham gia. Đến nay, CLB đã phát triển lên hơn 200 thành viên, gồm 4 CLB nhánh ở các thôn: Ninh Lai, Hội Kế, Hoàng Tân, Hội Tân. Đặc biệt, ông Bảy cùng các thành viên CLB còn mở các lớp truyền dạy tiếng nói và hát Soọng cô của dân tộc cho các cháu thanh thiếu nhi trên địa bàn xã.
Thành viên CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) giữ gìn nghề thêu truyền thống.
Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy chia sẻ, ông và các thành viên trong CLB đều mong muốn thế hệ trẻ hiểu về văn hoá dân tộc, để từ đó giữ gìn và phát huy văn hoá đó trong đời sống. Vì vậy, còn sức khoẻ, ông còn dạy hát, dạy tiếng nói cho các cháu. Đồng thời duy trì hoạt động của CLB để nơi đây luôn lan toả văn hoá dân tộc Sán Dìu, giúp thế hệ trẻ ý thức được vai trò của mình trong việc phát huy những bản sắc văn hoá đó trong cuộc sống.
Tuyên Quang là tỉnh duy nhất trong cả nước có đủ 9 ngành Dao, với gần 10 nghìn người Dao sinh sống tại các địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Dao rất phong phú, đa dạng. Mỗi ngành Dao lại có những nét đặc sắc riêng. Để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao tiền, xã Yên Nguyên, những người cao tuổi ở 2 thôn Cầu Mạ và Đồng Vàng đã thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao tiền của xã. Bà Lý Thị Lan, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB chủ yếu là những người từ 50 đến 70 tuổi, trong đó cao tuổi nhất là ông Bàn Công Hiến đã 80 tuổi. CLB duy trì tập luyện 2 buổi/tuần, tập các bài hát Páo dung, điệu múa của dân tộc Dao tiền. Kinh phí để tổ chức các hoạt động cũng đều do các thành viên tự nguyện đóng góp.
Các thành viên cao tuổi Đội văn nghệ thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) duy trì tập luyện thường xuyên.
Được truyền dạy hát, múa, các nghề truyền thống, thế hệ trẻ biết yêu và trân trọng hơn văn hoá dân tộc; có ý thức hơn trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hoá đó trong cuộc sống. Em Bàn Thị Tuất, thành viên CLB giữ gìn bản sắc văn hoá Dao, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chia sẻ, khi mới tham gia CLB em chưa biết hát, múa, biết thêu. Nhưng được các bà, các cô, các chị trong CLB hướng dẫn, đến nay em đã biết hát Páo dung, biết múa và thêu một số mẫu đơn giản. Em rất vui và tự hào vì mình đang góp phần nhỏ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao ở địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc do người cao tuổi làm chủ nhiệm, hoặc là những thành viên nòng cốt. Họ đã tích cực truyền dạy cho các thành viên trong CLB, đặc biệt là thế hệ trẻ những nét đẹp trong văn hoá dân tộc. Qua đó, tạo sức lan toả trong cộng đồng, góp phần giữ gìn làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết