Bà Phùng Thị Tâm (người đầu tiên) kiểm tra những đường thêu trên thổ cẩm truyền thống.
Chúng tôi có dịp gặp bà Phùng Thị Tâm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình tổ chức giữa tháng 4 vừa qua. Trong gian trưng bày thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ, bà Tâm cùng với những người trong thôn thoăn thoát đôi tay thêu nên những chiếc khăn, chiếc mũ trước sự chứng kiến của đông đảo du khách thập phương.
Bà Tâm cho biết, đến với ngày hội, bà và các chị em phụ nữ trong thôn mang một số bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để giới thiệu với du khách thập phương về văn hóa dân tộc Dao đỏ. Từ chiếc khăn đội đầu, áo, yếm đến dây thắt lưng… đều được thêu bởi những họa tiết, hoa văn mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá, con vật gần gũi với cuộc sống của người dân như hình quả trám, hình cây thông, hình chữ thập... Có những hoa văn thêu rất khó, đó là những đường thêu vắt chéo, chồng nhau tạo nên những họa tiết hình cây cối, hoa lá… đòi hỏi phải là người có kỹ năng kinh nghiệm thêu thùa nhiều năm.
Bà Phùng Thị Tâm tỉ mỉ thêu những họa tiết lên trang phục truyền thống.
Mỗi lần hoàn thiện một bộ hoa văn thổ cẩm, bà Tâm luôn nhìn ngắm để sửa lại những lỗi chưa đẹp; tìm tòi sáng tạo nhiều cách thêu khác nhau, rồi dạy bảo cho những người phụ nữ láng giềng, nhất là các bạn trẻ để chúng có được bộ trang phục đẹp nhất mặc vào ngày hội hay các cháu đi học ở trường nội trú…
Theo bà Tâm thì để thêu được một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của phụ nữ Dao đỏ phải mất mấy tháng trời. Nghề thêu không đem đến cho bà sự giàu có về tiền bạc, nhưng lại đem đến niềm vui trong cuộc sống. Bà vui vì thế hệ trẻ vẫn còn quan tâm đến văn hóa truyền thống, vui vì vẫn còn có người muốn học nghề để giữ lại nghề thêu của tổ tiên để lại.
Những họa tiết hoa văn trên bộ trang phục được mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá, con vật gần gũi với cuộc sống của con người.
Màu sắc bao gồm màu xanh, đỏ, vàng, trắng, kết hợp thêu trên nền vải màu đen. Trong đó màu đỏ là màu chủ đạo
trên bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ.
Bà Tâm bảo rằng, văn hoá đẹp thì phải biết giữ gìn và lan toả chứ không nên giữ cho riêng mình. Bởi vậy đã có bao thế hệ những cô gái trẻ trong làng được bà tận tình chỉ bảo cách thêu thùa rồi tự tay làm ra bộ trang phục của riêng mình để mặc trong ngày lễ hội hay trong việc cưới trọng đại của đời người. Vào dịp tháng 3 vừa qua, bà cùng với chị em phụ nữ xã Phúc Sơn đoạt giải Nhất tại cuộc thi thêu trang phục truyền thống trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2022.
Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Phúc Sơn, thế hệ trẻ còn rất ít người biết may thêu trang phục truyền thống. Việc lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ như bà Tâm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Gửi phản hồi
In bài viết