Du khách tìm mua chiếc váy Mông tại chợ phiên xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
Chiếc váy không chỉ đẹp, không chỉ rực rỡ mà còn như biết nói, biết cười. Chiếc váy ấy theo người con gái Mông đi chợ cứ lắc lư theo nhịp bước chân khiến bao chàng trai ngẩn ngơ. Có người bảo, chiếc váy ấy không khác gì ánh mắt của người thiếu nữ, như có hồn, như biết nói, biết mời gọi, lúng liếng đưa tình. Chính bởi thế, chợ phiên của đồng bào Mông luôn thu hút rất nhiều du khách.
Chị Liệu Thị Mai, dân tộc Tày, ở thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương) bán hàng ở chợ phiên Hùng Lợi (Yên Sơn) chục năm nay nói vui rằng, nhiều khi chị còn quên mình là người bán hàng, cứ ngỡ mình đang chị chợ để vui chơi. Bởi nhìn phụ nữ Mông xúng xính trong trang phục truyền thống chị rất thích. Nhiều hôm rảnh, chị cũng mặc thử để chụp ảnh. Nhất là vào dịp lễ, tết, cả chợ Hùng Lợi vô cùng rực rỡ. Từ cổng vào, đến lối đi và trong từng gian hàng, đâu đâu cũng thấy phụ nữ Mông đẹp lộng lẫy như những đóa hoa rừng.
Chia sẻ về bí quyết để làm nên những chiếc váy Mông quyến rũ đến vậy, chị Hoàng Thị Mai, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi chia sẻ: Đầu tiên là xuất phát từ tình yêu với bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Phụ nữ Mông đều tự hào về nét đẹp trong trang phục truyền thống và luôn có ý thức giữ gìn. Hầu hết phụ nữ Mông đều biết thêu, biết dệt vải, biết may trang phục. Chị Mai còn mở một xưởng may để cung cấp quần áo dân tộc Mông cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị bảo, trang phục phụ nữ Mông Hoa là cầu kỳ hơn cả, nhất là chiếc váy. Bởi người Mông sống dựa vào thiên nhiên và thiên nhiên cũng là chất liệu để người Mông tạo nên sợi vải cũng như hình thêu trong đó. Các hoa văn này là hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… Phụ nữ Mông không thêu theo khuôn mẫu mà theo trí tưởng tượng. Nhiều người khi thêu đã thuộc màu ưa thích, không cần nhìn màu, nhìn mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết theo ý muốn.
Xưởng may quần áo dân tộc của chị Hoàng Thị Mai, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi
Chị Mai cho biết thêm, trẻ em gái dân tộc Mông ngay từ khi 7 - 8 tuổi đã được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để đến khi lấy chồng sẽ may được 8 - 15 chiếc váy làm của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái lại thêu, dệt váy áo để tặng mẹ đẻ, mẹ chồng và các em của chồng.
Hiện nay, cộng đồng người Mông vẫn lưu giữ bộ trang phục truyền thống. Họ không chỉ mặc trong dịp lễ, tết mà trong cả sinh hoạt hàng ngày. Ở từng nếp nhà người Mông, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ quây quần cùng trẻ nhỏ thêu, may trang phục. Và rất nhiều khách du lịch khi đến bản làng vùng cao đều không quên chụp vài kiểu ảnh với phụ nữ Mông, hóa thân thành phụ nữ Mông xay lúa, xay ngô, dệt vải... Tất cả hình ảnh đó được lan truyền trên mạng xã hội khiến không ít người ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp, sức cuốn hút toát ra từ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông.
Với nhiều tầng ý nghĩa, và trên hết là sức cuốn hút trong nghệ thuật tạo hình trên chiếc khăn, áo, váy... khiến cho phụ nữ Mông xuất hiện ở đâu là gây chú ý ở đó. Chiếc váy của phụ nữ Mông nói riêng và trang phục của họ nói chung thực chất là cả câu chuyện dài về tầng sâu văn hóa truyền thống, mà mỗi chi tiết, họa tiết đều mang giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc.
Gửi phản hồi
In bài viết