Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ chị là diễn viên múa của Đoàn văn công Hà Giang, xem mẹ biểu diễn nhiều, dường như việc “chơi múa hát” đã ngấm vào máu thịt của chị từ nhỏ. Chị trúng tuyển ngành múa của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc từ năm 12 tuổi. Năm 1985, khi ấy mới 15 tuổi, lần đầu tiên tại hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc chị được diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Với chị khi ấy, cả một chân trời rộng lớn, tươi sáng đã mở ra trước mắt khi được hiện diện ở một “thánh đường nghệ thuật” thật sự. Cảm xúc đó tác động mạnh mẽ đến con đường nghệ thuật của chị sau này, nhen lên trong chị niềm yêu nghề, say nghề, được làm nghề, thôi thúc chị lao động nghệ thuật nghiêm túc để được tỏa sáng, được cống hiến cho nghệ thuật múa…
NSƯT múa Thanh Hương (ảnh phải) cùng chồng - nhạc công Lâm Minh Cương.
Năm 1989, chị nhận công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Năm 1992, bén duyên với người bạn cùng khóa, nhạc công Lâm Minh Cương, chị về làm dâu Tuyên Quang trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật của tỉnh Hà Tuyên lúc bấy giờ. Bố chồng chị là NSƯT Lâm Nho, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hà Tuyên, mẹ chồng chị là diễn viên múa Hà Thị Vọng đầy hương sắc một thời.
Công tác 10 năm tại Đoàn Ca múa kịch Hà Tuyên, năm 2001, chị lại chuyển sang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, đi học Biên đạo múa và làm Trưởng đoàn múa của Nhà hát. Những năm tháng
khổ luyện ở môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp cùng tình yêu nghề cháy bỏng, chị đã mang về hàng chục giải thưởng tại các kỳ cuộc liên hoan ca múa nhạc toàn quốc của Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam, của Liên hoan nghệ thuật ba nước Đông Dương…
Năm 2016, chị trở về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Với những thành tích được ghi nhận sau cả một chặng đường phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật chuyên nghiệp, năm 2007, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Năm 2017, chị được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh cho đến nay.
Thế mạnh của NSƯT Thanh Hương là biên đạo, dàn dựng các tác phẩm múa dân gian dân tộc. Sinh ra, trưởng thành từ cái nôi nghệ thuật Việt Bắc, nên sắc màu văn hóa bản địa, vùng miền… như một lẽ tự nhiên, cứ lặng lẽ ngấm vào hồn chị. Từ yêu mà say, mỗi lần đi biểu diễn ở cơ sở, gần gũi với cuộc sống của bà con, chị đều dày công tìm tòi, quan sát, nghiên cứu chất liệu văn hóa dân gian các dân tộc… Đặc biệt, những nét mộc mạc, khiêm nhường và tình yêu cuộc sống, yêu lao động của đồng bào luôn là chất men say, sống động… giúp chị bung tỏa những cảm xúc thăng hoa, mà thành những “Cánh ô xuống núi”, “Trăng”, “Gọi Xuân”, “Nơi thượng nguồn”, “Núi đợi”, “Dệt sắc Xuân”, “Nguồn cội”, “Những cô gái quê tôi”, “Bài ca quê hương”… những tác phẩm múa đẹp, bay bổng khiến công chúng nhớ.
Chị có trong tay một hành trang đầy đặn với nghề khi biên đạo, dàn dựng các chương trình nghệ thuật, các màn hát múa lớn, các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, như: Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; “Qua những miền di sản Việt Bắc”, “Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao”… các chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lễ hội của các địa phương... Ở bất kỳ chương trình nào, người xem cũng dễ dàng nhận ra nét tinh tế, bay bổng rất riêng của một biên đạo múa nữ.
Trong hành trình làm nghề đáng nhớ của mình, chị đã may mắn trải rộng dấu chân đến châu Âu, châu Phi, đến Ý, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaisia… Chị bảo, với người nghệ sỹ, mỗi chuyến đi biểu diễn như vậy, được khán giả trọng thị, thích thú đón xem, cổ vũ nhiệt thành càng thấy yêu nghề tha thiết, muốn cháy hết mình để cống hiến, để giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa rộng hơn, nhiều hơn, sâu sắc hơn những sắc thái văn hóa đáng tự hào của quê hương, xứ sở…
Gửi phản hồi
In bài viết