Liên hợp quốc nêu 6 biện pháp phục hồi sau đại dịch

Ngày 12-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi 6 biện pháp giúp các quốc gia phục hồi sau đại dịch Covid-19 và bảo đảm việc hướng tới Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Liên hợp quốc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Hội đồng kinh tế và xã hội 2021 về tài trợ cho phát triển, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, việc huy động tài chính cho mục tiêu phát triển là nỗ lực chưa từng có trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vẫn chưa có phản ứng đa phương nào như mong đợi kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Cũng theo ông Antonio Guterres, dịch bệnh đã khiến hơn 3 triệu người thiệt mạng, làm khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực và khiến 255 triệu việc làm toàn thời gian “biến mất”. Những vấn đề này khiến thế giới chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 90 năm.

Để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm, tránh suy thoái toàn cầu kéo dài và trở lại đúng lộ trình để hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Antonio Guterres kêu gọi thế giới thực hiện 6 biện pháp nhằm ứng phó với những thách thức trong thời kỳ đại dịch.

Trước tiên, vắc xin phải có sẵn cho tất cả quốc gia có nhu cầu. Để chấm dứt đại dịch một cách tốt đẹp, mọi người dân cần có quyền tiếp cận công bằng với vắc xin.

Thứ hai, cần đảo ngược sự sụt giảm nguồn tài chính ưu đãi, kể cả ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Việc hỗ trợ phát triển là yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết nên các nhà tài trợ, cũng như các tổ chức quốc tế cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, đảm bảo dòng tiền đến đúng nơi cần đến. Các báo cáo mới nhất cho thấy, tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 5.000 tỷ USD trong năm qua. Do đó, ông Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các quốc gia xem xét đánh thuế tài sản đối với những người đã trục lợi trong đại dịch để giảm tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng.

Thứ tư, giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng việc đình chỉ nợ, giãn nợ và thanh khoản đối với những quốc gia có nhu cầu. Ông Antonio Guterres kêu gọi gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến năm 2022.

Thứ năm, cần có sự đầu tư vào con người. Thế giới cần một khế ước xã hội mới dựa trên sự đoàn kết và đầu tư vào giáo dục, việc làm xanh, hệ thống bảo trợ xã hội và y tế. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

Thứ sáu, tái khởi động các nền kinh tế một cách bền vững và bình đẳng, phù hợp với SDGs và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định, sự đoàn kết sẽ là nhân tố giải cứu và ngăn chặn các cộng đồng, cũng như nền kinh tế rơi vào cảnh nợ nần và hỗn loạn nghiêm trọng. Việc thúc đẩy một phản ứng toàn cầu công bằng và phục hồi sau đại dịch đang là phép thử đối với chủ nghĩa đa phương.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời cảnh báo, ngoài vấn đề liên quan đến đại dịch, tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa tương lai của con người và hành tinh. Ông Antonio Guterres kêu gọi thế giới khẩn trương thực hiện các chính sách, đặt ra các mục tiêu và thời hạn cắt giảm khí thải nhà kính nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

“Chúng ta phải đối mặt với một khoảng trống lớn về tài chính. Do đó, tôi lặp lại lời kêu gọi về cam kết 100 tỷ USD được đưa ra cách đây một thập kỷ sẽ được thực hiện mỗi năm và từ bây giờ, ngay lập tức”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục