Trang trại bình yên của người thương binh

- Đó là trang trại nằm lọt thỏm ở giữa khu đất đồi rộng lớn ở thôn Đồng Ca, xã Nhân Mục (Hàm Yên). Ở đó ngút ngàn rừng keo, vườn cây ăn quả, ao cá, ốc nhồi. Mới đây chủ nhân lại bắt tay trồng thêm gần 1 ha sâm cát. Trang trại được ông Nông Mạnh Hồng ngày ngày chăm chút, nâng niu, thay đổi diện mạo với những mô hình mới cho kịp xu thế. Ông tự đặt tên đó là “trang trại bình yên” bởi mỗi ngày nơi đây vẫn rộn ràng tiếng chim ca và thanh âm của tiếng sáo, tiếng đàn Tính ngân vang của người thương binh ấy...

“Một lượt cỏ thêm giỏ thóc”

Gương mặt của người Cựu binh Nông Mạnh Hồng luôn ánh lên sự cương nghị và quyết đoán. Gần gũi ông, nhiều người luôn có cảm giác của sự tin cậy, an tâm ở cuộc đời thăng trầm người lính qua bao trận mạc.

19 tuổi chàng trai trẻ người Tày viết đơn tình nguyện nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Trong một trận đánh, Tiểu đoàn của ông bị pháo của địch bắn phản kích khiến 6 người đều bị thương, trong đó ông là một trong những người bị thương nặng. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông chia sẻ: “Lịm đi sau một tiếng hét lên, mảnh đạn găm vào mặt, mũi, mắt. Tỉnh lại trên thùng xe tải băng qua rừng chạy về hậu tuyến, nhìn ánh mắt ái ngại của các y, bác sĩ đi cùng thì tôi hiểu cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác”. Thế nhưng sau khi phục hồi vết thương, người lính trẻ ấy vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu với tâm nguyện giành lại hòa bình cho đất nước.

Ông Nông Mạnh Hồng là hạt nhân văn nghệ của thôn.

Về với cuộc sống đời thường với di chứng chiến tranh là những vết sẹo, những cơn đau đầu hành hạ, đôi mắt có lúc như mờ đục, đôi tai điếc, người Cựu binh Nông Mạnh Hồng vẫn thấy mình là người may mắn so với những đồng đội “nằm lại” ở chiến trường. Thế nên về với cuộc sống thời bình ông luôn tâm niệm mình phải sống làm sao để xứng đáng với hy sinh, mất mát ấy.

Trở về nhà, sau khi lo toan, thu vén mọi việc trong gia đình, ông Hồng quyết định cùng vợ con ra ở riêng lập nghiệp. Năm 1988, ông là người đầu tiên mang cây bồ đề về trồng tại vườn rừng ở Nhân Mục. Trước biết bao lời gàn của hàng xóm, lời qua tiếng lại, bởi 1 vụ bồ đề kéo dài 10 năm thì biết đến bao giờ... Người lính ấy vẫn kiên định gửi trọn niềm tin vào đất.

 Chính nhờ quyết tâm đó mà ông tiếp tục không ngại ngần nhận hợp đồng toàn bộ 20 ha đất rừng của Trung tâm nguyên liệu giống cây trồng huyện giao để phát triển kinh tế. Trong khi nhiều người khác từ chối vì lý do: Đất rừng hẻo lánh, sợ ném sức vào đó rồi lợi nhuận thu về không được bao nhiêu, Nhà nước bắt đền, lấy đâu ra tiền!

Lúc ấy, nhiều người bảo ông liều, khác gì “đánh bạc với giời”. Họ nói cũng có lý bởi đất ở đây lúc bấy giờ toàn cỏ tranh, lau lách rậm um tùm, trong khi đó sức khỏe thì yếu, nhà nghèo, vốn liếng phải vay mượn. Vợ ông - bà Phạm Thanh Thị lòng rối như tơ vò ngỏ ý ngăn cản.

Ông Hồng nhìn người vợ, nắm chặt tay, ánh mắt đầy trìu mến bảo rằng: “Cứ kiên trì làm, kiên trì lao động, “một lượt cỏ thêm giỏ thóc”, có cơ hội thì mình cứ làm bởi đôi khi thành công không quá quan trọng, quan trọng là mình đã tìm cách bước về phía trước và không được dừng lại trước những gian nan”.

Mô hình trồng sâm của thương binh Nông Mạnh Hồng.

Màu xanh bình yên

Nói về cuộc mưu sinh, ông Hồng mỉm cười nhớ lại, cả đời mình là những trải nghiệm từ thợ mộc, thợ xây, đào cây, chặt gỗ, chạy chợ, buôn bán... Cứ cái gì ra tiền là ông sẵn sàng xắn tay làm để mong có tiền “nuôi” mấy cái “dự án dài hơi” mang tên vườn rừng ấy.

 Trong quá trình đó, gia đình ông thường xuyên linh động chuyển đổi và thực hiện sáng tạo các mô hình. Nào là thực hiện lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh, gối vụ, thấy cái gì mới, cái gì hay là áp dụng ngay. Khi các đồi keo được bao phủ, ông mạnh dạn đi đầu trồng cây ăn quả: Bưởi, cam, chanh, mận tam hoa... Với ông, làm kinh tế cũng như xây nhà, phải chắc chắn, đặt từng viên gạch vững chãi thì mới kiên cố và bền được. Ông nghiêm túc thực hiện từ việc đích thân đi thực tế các mô hình trong và ngoài tỉnh để học hỏi, sau đó nuôi, trồng thử nghiệm, cho ra kết quả tốt là bắt đầu nhân giống đại trà. Thế nên khi gặp thất bại thì thiệt hại không lớn, vẫn dư giả đồng vốn để xoay chuyển hướng mới.

Chính tư duy làm kinh tế chắc chắn và có nhãn quan nhìn nhận nông lâm nghiệp sắc bén mà thương binh Nông Mạnh Hồng giờ đây đã sở hữu trang trại với quy mô 23 ha rừng, 300 gốc cây ăn quả, hơn 3.000 m2 ao cá, 5 vạn ốc nhồi, gần 1 ha sâm cát... Mỗi năm thu nhập 400- 500 triệu đồng.

Ông Nông Mạnh Hồng thường xuyên hướng dẫn kinh nghiệm phát triển kinh tế cho người dân trong xã.

Đồng chí Vương Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nhân Mục chia sẻ, đây là mô hình trang trại điển hình của xã, hàng năm được nhiều đoàn khách trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi. Không chỉ làm giàu cho riêng mình mà ông Hồng còn nhiệt tình truyền đạt, tư vấn miễn phí và tặng cây giống cho nhiều hộ dân trong xã để phát triển kinh tế. Mới đây ông vinh dự là đại diện dự Gặp mặt Người có công với cách mạng tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).

“Làm được, nói hay” nhiều năm liền ông Nông Mạnh Hồng là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Ca. Hiện nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đồng Ca và là người uy tín của thôn. Ông chia sẻ, chi hội hiện có 23 hội viên. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các hội viên nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong đó có 4 hộ hội viên có mô hình trang trại tổng hợp, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Chi hội không còn hộ hội viên nghèo.

Nhiều người yêu quý ông bởi ông là một người vui tính, sôi nổi và là một “nghệ nhân” của bản làng người Tày. Ông trực tiếp tham gia nhiều cuộc liên hoan văn nghệ ở huyện với tiết mục thổi sáo, đánh đàn Tính. Ngày ngày, trong không gian màu xanh ngút ngàn của trang trại, thanh âm bình yên của người Cựu binh ấy lại vang lên. Tiếng đàn, tiếng sáo da diết như nói lên khát vọng làm giàu và nghị lực vươn lên của người lính trên mảnh đất Đồng Ca.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục