Dám nghĩ dám làm

- Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng kiến thức, anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã mạnh dạn thay đổi, từng bước dìu dắt thành viên tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh và đưa bà con đến với những miền đất mới mẻ của liên kết, hợp tác và thị trường.

Cứ đi để lối thành đường

Giữa đồi chanh xanh mướt, trĩu quả, anh Nam chậm rãi kể tôi nghe việc bén duyên với cây chanh của mình. Năm 2013, anh nhận thấy, ở miền Trung, miền Nam có chanh dùng quanh năm, chanh rất thơm lại mọng nước như chanh ta vậy. Hỏi ra anh mới biết, đó là chanh tứ mùa. Anh nghĩ, chanh là loại quả gia vị ai ai cũng dùng đến. Chanh được dùng quanh năm mà lại có bán vào lúc trái vụ thì còn gì bằng. Vì thế, ý tưởng về phát triển mô hình trồng chanh tứ mùa thay thế những bãi ngô bạc màu của gia đình nhen nhóm trong anh.

Chuyện anh Nam chuyển sang trồng chanh tứ mùa xôn xao cả tổ 2, rồi lan ra cả phường, bởi anh vốn là cán bộ thú y phường Đội Cấn, lại là hộ đầu tiên trong thôn trồng chanh. Vợ anh lo lắng lắm, bởi bỏ nghề là bỏ mất tiền lương ổn định hàng tháng rồi những ruộng ngô vốn đã cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm từ nhiều năm nay. Năm 2014, anh tìm hiểu thông tin các mô hình trồng chanh tứ mùa cho thu nhập cao qua ti vi, đài, báo và tham quan các mô hình thực tế, anh quyết định trồng thử nghiệm 1 ha chanh tứ mùa mà anh lặn lội mua được ở Yên Bái.

Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, chanh bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, mẫu mã quả không đạt nên giá bán cũng không cao, nhưng chất lượng thì vẫn rất thơm, ngon. Ngay khi có sản phẩm, anh Nam vẫn tập trung vào khâu tiếp thị. Đầu tiên, anh tiếp thị sản phẩm ngay tại địa phương mình. Tại các quán ăn, quán nước, anh bán chanh ở chợ quê, chợ huyện và cả chợ đầu mối ở thành phố Tuyên Quang. Nhiều người ban đầu còn lo chất lượng chanh trái vụ: nào ít nước, nào đắng, nào không thơm, nhưng khi dùng thử thì lại ưa chuộng. Được thị trường chấp nhận, chanh tứ mùa của anh được tiêu thụ khắp trong tỉnh. Chính vụ, chanh có giá 8 - 10 nghìn đồng/kg; trái vụ, chanh có giá cao gấp 2 đến 3 lần, khoảng 20 - 30 nghìn đồng/kg.

Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang)
 kiểm tra chanh trước khi xuất bán cho khách.

Thấy trồng chanh có tia hy vọng làm giàu, năm sau anh học hỏi và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Anh dành hàng tháng trời bắt xe khách đi hết các chợ đầu mối ở các tỉnh miền Bắc từ Long Biên (Hà Nội) đến Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và cả các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… để bắt mối với những thương lái chuyên tiêu thụ chanh. Ngay khi có chanh thu hoạch, anh liền liên hệ với các thương lái ở các tỉnh, rồi gửi mẫu chanh nhờ họ bán với giá thấp hơn giá thị trường 1 - 2 giá. Nhờ thế mà chanh thu hoạch đến đâu hết đến đó, nhiều thương lái ở tỉnh xa muốn đến tận vườn để thu mua nhưng không có chanh để bán.

Khi bà con thấy rõ được hiệu quả mô hình trồng chanh của anh, liền ngỏ ý muốn học và làm theo. Anh Nam đã không ngại chia sẻ kinh nghiệm mà sẵn sàng dẫn dắt nhiều hộ ở thôn đi theo lối đi mới này. Và quả thực lối đi ấy nay đã trở thành con đường làm giàu cho bà con.

Tạo dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ

Là người đầu tiên mang cây chanh tứ mùa về phường, anh Nam luôn nung nấu mục tiêu là đưa những quả chanh của người dân quê mình vượt qua khỏi phạm vi của chợ quê, đến các siêu thị trong những thành phố lớn và thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Song nếu cứ sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay theo kiểu “mạnh ai người đó làm” thì khó bởi muốn vào được những thị trường lớn cần phải có số lượng sản phẩm đủ lớn và sản phẩm phải được sản xuất theo hướng an toàn.

Nhận thức được chỉ có thành lập hợp tác xã mới có thể thực hiện được mục tiêu của mình. Năm 2017, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp anh đã tổ chức vận động hội viên, nông dân trong phường thành lập Hợp tác xã lấy tên là Hợp tác xã Trồng rau và cây ăn quả Đội Cấn và anh được tín nhiệm làm Giám đốc Hợp tác xã với 9 thành viên (nay là Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc). Các thành viên tham gia hợp tác xã được anh giúp đỡ về giống, hướng dẫn về kỹ thuật và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều năm trồng chanh, nông sản của anh cũng không tránh khỏi tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Sau những khóa tập huấn sản xuất, học hỏi thị trường, anh Nam nhận ra một điều “mình phải thay đổi để thoát khỏi tình trạng này”. Vậy là anh tìm hiểu các chính sách khuyến khích của Nhà nước, xây dựng mô hình sản xuất sạch, ngoài việc giữ mối tiêu thụ sản phẩm với thương lái các tỉnh, anh chủ động đi “gõ cửa” doanh nghiệp bao tiêu nông sản. Sau bao năm vất vả, anh thu được “quả ngọt” khi liên kết được với Công ty Omega Phú Thọ để đưa sản phẩm chanh tứ mùa vào chuỗi các siêu thị trong nước.

Khu vực trồng chanh VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

“Tất nhiên, mọi chuyện chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là liên kết và giữ uy tín là một câu chuyện lâu dài. Để làm ăn lâu dài với doanh nghiệp và thương lái, đầu tiên mình phải làm thật trước. Sản phẩm phải đạt chứng nhận VietGAP, có vùng nguyên liệu lớn, ổn định để cung cấp thường xuyên, đảm bảo chất lượng. May mắn, Hợp tác xã có sự đồng lòng của các thành viên, nhờ đó việc liên kết mới thành công” - anh Nam chia sẻ.

Từ chỗ nông sản sạch làm ra không biết bán cho ai, bán ở đâu, hiện nay, nông sản của hợp tác xã đã chen chân được vào thị trường khắp các tỉnh miền Bắc. Trong xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng và Hợp tác xã đã làm được điều đó. Đó là bảo bối để bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm giá trị sản phẩm của nông dân.

Tiếng lành đồn xa, vùng sản xuất chanh của Hợp tác xã được các doanh nghiệp lớn như Winmart, Coop Mart tìm đến để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhưng khó khăn nhất hiện nay của Hợp tác xã và người dân trong phường là vướng về nguồn gốc đất. Do phần lớn diện tích đất trồng chanh của Hợp tác xã và người dân là đất đi thuê của lâm trường thuộc Công ty cổ phần chè Sông Lô, không có thời gian sử dụng lâu dài nên không ký được hợp đồng tiêu thụ. Còn lại các tiêu chí khác đều đảm bảo. Trước những vướng mắc, khó khăn này, anh đã đề xuất kiến nghị lên các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết.

Rồi anh Nam kể về tình hình sản xuất chanh hiện nay của bà con. Đến nay, toàn phường đã có 45 ha chanh, mỗi ha cho thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/năm, giúp nâng cao đời sống của người dân. Điển hình, trong phường có 2 ha chanh của hộ gia đình anh Phạm Văn Tuấn đạt 1,2 tỷ đồng/ha. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 15 người có thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng; lao động thời vụ từ 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày.

Năm 2021, anh đã giúp bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và người dân trong vùng với doanh thu 14 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến doanh thu tăng hơn năm trước. Để đa dạng sản phẩm, hàng hóa, anh đầu tư thêm máy, thiết bị sản xuất nước ép chanh. Hiện, anh đang ấp ủ, nghiên cứu dự án sản xuất nước rửa chén và dầu gội đầu từ chanh. Đối với anh, đó là niềm vui cũng là trách nhiệm để tiếp tục “chèo lái” con thuyền Hợp tác xã ngày càng phát triển.
 

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục