Dân bản tin ông lắm!

- Đó là lời nhận xét của đồng chí Triệu Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Phú (Chiêm Hóa) khi nói về ông Thèn Xuân Chỉ (trong ảnh), Bí thư Chi bộ, người uy tín thôn Bản Ba. Hai nhiệm kỳ được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Chỉ đã mang hết tâm huyết, sức lực của mình để làm cho dân tin, dân mến, dân nghe.

Nói đúng, làm đúng thì dân nghe

Bí thư Chi bộ Thèn Xuân Chỉ là người Nùng, quê gốc ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ông từng có nhiều năm là “Giáo viên ánh sáng văn hóa” dạy học ở trường Tiểu học Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì. Ông bén duyên với cô giáo quê Tuyên Quang là bà Ma Thúy Cửu vừa đẹp người đẹp nết. Thế rồi vì thương vợ thương con, ông quyết định theo vợ chuyển công tác từ Hà Giang về quê vợ là xã Tri Phú dạy học. Ông bảo, ngày đó cùng vợ về quê vợ sinh sống, ông chỉ nghĩ đơn giản rằng, ở đâu cũng là quê mình và có cuộc sống no ấm nếu mình nỗ lực.

Năm 2012, ông nghỉ hưu và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Dù ở vị trí nào, ông cũng luôn tâm niệm “Nói đúng, làm đúng thì dân sẽ nghe”. Thấy ông làm tốt, nhiệt tình, luôn “dĩ công vi thượng” nên sau 5 năm đảm trách chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, ông lại được bầu làm Bí thư Chi bộ cho đến tận bây giờ.

 

Gặp ông, tôi cảm nhận rõ cái sự chân chất, thật thà, giản dị trong công việc và nếp sống đời thường. Ông giở từng quyển sổ ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận từng số liệu hộ nghèo, nhà nào đã có, nhà nào chưa có nhà kiên cố, bể xử lý rác, công trình vệ sinh. Vợ chồng ông đều có lương hưu, các con ông đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, phụ cấp Bí thư Chi bộ chẳng đáng là bao song mỗi việc làm của ông đều có vợ ủng hộ, đỡ đần, thậm chí còn ghi chép sổ sách giúp ông. Ông nói: “Mình phải ghi chép sổ sách rõ ràng để còn báo cáo với đảng viên và bà con những việc đã làm được, chưa làm được, không thể chung chung được”.

Điều mà ông tâm đắc nhất từ khi làm Bí thư Chi bộ đó là đã vận động bà con bê tông hóa gần 100% đường giao thông nội đồng, nội thôn, ngõ xóm. Đưa tôi đi vào từng ngõ ngách của thôn, nhiều tuyến đường bê tông rộng 5 mét ô tô vào tới tận nơi sản xuất, ông phấn khởi lắm.

Những năm trước đây, ba tuyến đường vào khu sản xuất Nà Nghịa, Nà Ba, Khuổi Lòa chỉ là con đường đất, rộng 2 mét, xe ô tô không vào được, các loại máy nông nghiệp đi vào rất khó khăn. Đây lại là khu trồng rừng, tre lấy măng, chuối Tây của nhiều hộ gia đình trong thôn. Mỗi vụ thu hoạch, người dân rất vất vả trong khâu vận chuyển, có nhà thì dùng trâu kéo, có nhà gánh hoặc dùng máy kéo ra tận nơi tập kết ô tô và xe máy mới vận chuyển được. Ông vận động nhân dân hiến đất, góp công sức, tiền của để bê tông hóa trên 1,3 km đường giao thông vào khu sản xuất rộng 5 mét. Có hộ gia đình, ông và các đảng viên phải đi vận động nhiều lần mới thông suốt hiến đất để mở rộng tuyến đường. Tổng cả ba tuyến đường có 27 hộ hiến hàng nghìn mét vuông đất. Giờ con đường vào các khu sản xuất của thôn trở nên thông thoáng, ô tô vào đến tận chân rừng, chân ruộng, việc thu hoạch nông, lâm sản đã trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Ông Chỉ thăm mô hình trồng chuối tiêu của người dân.

Giúp dân chính là giúp mình

Năm 2014 và năm 2018, ông Chỉ là cá nhân tiêu biểu được đi dự Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” toàn quốc và là người uy tín tiêu biểu của tỉnh dự Hội nghị các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nhiều năm liền ông được nhận giấy khen của huyện, xã trong công tác dân vận. Kết quả đó luôn khích lệ ông không dừng bước mà phải nỗ lực nhiều hơn nữa giúp dân. Ông cho rằng: “Giúp dân chính là giúp mình”. Bởi người dân có cuộc sống no ấm, đàng hoàng thì người đảng viên như ông mới thấy thanh thản trong lòng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao. Ông dành nhiều thời gian gần dân, đến từng gia đình để vận động, nắm bắt. Có tháng, tiền xăng xe và các chi phí khác còn “âm” cả vào tiền phụ cấp Bí thư Chi bộ của ông. Nhưng ông chẳng khi nào than thở. Người dân ở Bản Ba hiện có mức sống khấm khá nhất ở Tri Phú, bởi ngoài phát triiển các loại hình kinh doanh dịch vụ, người dân còn rất năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Từ việc sâu sát với đời sống của nhân dân, ông Chỉ đã cùng với các đồng chí trong chi bộ tuyên truyền nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang trồng cây chuối tiêu, trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”, có thu nhập đều đặn và thường xuyên.

Ông bảo: “Mình thấy bà con trồng rừng như lát, mỡ, keo, gáo là hướng đi đúng nhưng trồng các loại cây lâu năm thì phải mất một thời gian dài mới có thu nhập một khoản tiền lớn. Trong khi hàng ngày bà con vẫn cần tiền chi tiêu, nuôi con cái ăn học. Trong các cuộc họp, chi bộ đã bàn bạc, đưa ra chủ trương vận động nhân dân trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trên đồi, dưới tán rừng, chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây chuối tiêu”.

Từ chủ trương này, vài năm trở lại đây, Bản Ba phát triển mạnh cây chuối tiêu, trồng rừng, trồng tre lấy măng, chăn nuôi gà ri, lợn thịt. Toàn thôn hiện có 40 ha rừng, 40 ha chuối tiêu, 20 ha tre lấy măng, 6 mô hình chăn nuôi lợn, gà thịt theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Chỉ kiểm tra tiến độ làm đường giao thông vào khu sản xuất trong thôn.
 

Nghe theo sự vận động của Bí thư Chi bộ Chỉ, mấy năm trước, bà Hà Thị Cam chuyển đổi diện tích đất từ trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả sang trồng 1.300 gốc chuối tiêu. Hai năm nay, gia đình bà đã cho thu hoạch chuối, mỗi năm thu bình quân từ 30 - 40 tấn chuối tươi, trừ chi phí cho thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Ngoài trồng chuối tiêu, gia đình bà Cam còn trồng 4 ha rừng, xen lẫn với trồng tre lấy măng, trồng 100 gốc bưởi. Tổng thu nhập của gia đình bà mỗi năm trừ chi phí trung bình thu về 200 triệu đồng. Bà bảo: “Nếu trước đây chỉ trồng lúa thì không có thu nhập cao như vậy, ông Chỉ là người giúp đỡ gia đình tôi quyết tâm chuyển đổi hướng phát triển kinh tế”.

Gia đình anh Hà Phúc Mạnh trước đây chỉ trồng lúa và làm tự do để kiếm sống nên thu nhập bấp bênh. Nắm được hoàn cảnh của gia đình anh Mạnh, ông Chỉ đã giúp anh được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi do xã mở. Ông động viên anh ra các địa phương khác học tập kỹ thuật nuôi gà thịt. Có kỹ thuật, anh Mạnh đầu tư khu chuồng chăn nuôi gà thịt. Ban đầu chỉ có quy mô vài trăm con, khi có lãi, anh mua thêm giống, có thời điểm lên tới 1.500 con gà thịt. Vừa qua, gia đình anh đã xuất chuồng lứa gà thịt đầu tiên với số lượng 1.000 con, thu lãi 40 triệu đồng chỉ sau 4 tháng chăn nuôi.

Anh Mạnh bảo: “Có Bí thư Chi bộ Thèn Xuân Chỉ hướng dẫn, vận động làm những điều tốt, người dân như tôi không còn sợ cái khó, cái nghèo nữa”.

Bản Ba giờ không còn nhà tạm, dột nát nữa cũng là nhờ Bí thư Chi bộ Thèn Xuân Chỉ vận động những hộ cuối cùng ở nhà tạm, dột nát tự lực, tự cường sửa chữa và làm nhà ở mới. Ông Chỉ rất phấn khởi khi đi qua những ngôi nhà sàn cột bê tông mới tinh, nhà xây cao tầng trong thôn. Ông nói: “Diện mạo Bản Ba như ngày hôm nay phần lớn là sự nỗ lực của nhân dân, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và công tác vận động của tất cả cán bộ trong thôn”. Tôi hiểu sự khiêm tốn, “nói ít, làm nhiều” của một thầy giáo nghỉ hưu và hơn hết là một đảng viên bao năm qua của ông đã chiếm trọn tình cảm của người dân Bản Ba.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục