Ký ức người trong cuộc

- 43 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), nhưng trong ký ức của những người lính, những cơn mưa xuân rả rích kèm cái lạnh buốt xương quyện tiếng pháo nổ rung trời miền biên viễn vẫn vẹn nguyên trong tim họ.

Kẻ thù buộc phải cầm súng

CCB Trần Văn Quang, hiện ở tổ 2, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) từng là lính liên lạc phục vụ chỉ huy, tham gia chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng. Trong ký ức của ông Quang, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một cuộc chiến khốc liệt, gian khổ, nhưng cũng là một khúc ca bi tráng của dân tộc trong lịch sử chống quân xâm lược. Ông nhớ rõ, rạng sáng 17-2-1979, ông đang nhóm lửa nấu nước cho chỉ huy tại đồi Độc Lập thì nghe tiếng súng xâm lược rung chuyển khắp các đồi núi, chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 - 1989. Ông Quang nhớ lại: “Khi bị pháo địch tấn công, tôi cùng anh em cầm súng vào trận địa sẵn sàng chiến đấu. Do lực lượng mất cân đối, đơn vị rút bản Tắc Kha, Đồi 300, chân đèo Mã Phục (Quảng Hòa) đánh phòng ngự, phá vòng vây của địch.  

Các Cựu binh tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm hồi chiến trường.

Trong câu chuyện của mình, ông Quang vẫn nhớ như in thời khắc ông bắn được chiếc xe tăng của địch tại cổng nhà máy đường Phục Hòa. Ông kể: “Lúc đó khoảng 10 giờ sáng ngày 18-2 khi đang công sự chốt đồi Độc Lập, nhìn thấy 2 chiếc xe tăng địch từ nhà máy đường Phục Hòa chạy cách chốt khoảng 50 m, một chiếc đã đi trước, chiếc còn lại đang chạy phía sau. Tuy nhiên, 1 đồng chí cầm khẩu súng B41 đã bị thương nặng nên không bắn được. Đồng chí chính trị viên tên Diến đã cầm khẩu súng B41 giao cho tôi, nói: “Phải bắn cái xe này”. Tôi đáp: “Em chưa dùng loại súng này bao giờ”. Đồng chí Diến tiếp lời: “Cứ gác lên mỏm đá, nhắm thẳng xe, khi nào hô thì bóp cò”. Mặc dù lúc đó trời đang lạnh thấu xương, người tôi vã mồ hôi đầm đìa, run bần bật. Vì mọi khi tôi chỉ sử dụng súng AK, đã bao giờ được học hay sử dụng hỏa lực này. Một chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi, dáng người nhỏ con nặng chưa đến 50 kg, lần đầu tiên cầm khẩu súng gần chục kg trong bỡ ngỡ, lo lắng. Thế nhưng, bắn xong, nghe tiếng chỉ huy hô to “cháy rồi”, tim tôi như muốn vỡ tung vì sung sướng. Chiếc xe bị bắn cháy đã giúp bộ đội mình phá vòng vây rút về nơi an toàn…

Nhờ chiến công đó, sau này ông Quang đã được đơn vị, Nhà nước bình xét, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời người lính già. 

Trận pháo kích sáng 24-2

Cho đến bây giờ, kỷ niệm về những ngày tháng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong chí nhớ chàng vệ binh Trần Bảo Tuấn, thương binh hạng 4/4, tổ 7, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Ông Tuấn nhập ngũ năm 1978, đến đầu 1979, ông bước vào trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Những ngày tháng chiến đấu ác liệt, chứng kiến sự hy sinh quân và dân ta khiến ông đau nhói mỗi khi nhắc lại. Ông kể, 5 giờ sáng ngày 24-2 tại cửa hang Nà Dạ trời đầy sương gió rét lạnh buốt. Trong Sở chỉ huy trung đoàn không khí căng thẳng, tiếng lệnh qua máy bộ đàm dội vào vách hang nghe rợn người. Ông chốt ngay cửa hang cũng bị cuốn theo không khí đó, vừa phải kiểm soát nhận mặt người vừa phải canh chừng thám báo hoặc lính sơn cước đột nhập. 

Những giây phút gặp gỡ hiếm hoi của các Cựu binh biên cương.

“5h30’ sáng, chúng tôi được đồng chí Trung đội trưởng tên Ngọc truyền đạt: “Hôm nay có nhiều khả năng địch sẽ dùng hỏa lực và bộ binh đánh thẳng vào sở chỉ huy trung đoàn, tình hình rất căng thẳng, các tiểu đoàn chốt trên Đồi 244, Nghĩa Trang, Mâm Xôi, 300... đã rất nỗ lực chống trả nhưng chiến sỹ hy sinh, thương vong rất nhiều, mặt khác lính Trung Quốc đang tập trung quân đánh chiếm thị trấn Quảng Uyên và hậu cứ trung đoàn, trung đoàn đã báo cáo cấp trên nhưng chưa có lệnh rút...”. Nói rồi đồng chí đi các đơn vị khác. Đi chừng 30 phút, đồng chí trở lại, nói: “Mọi việc đã bố trí xong, ngoài 3 tổ vệ binh còn có một số bộ phận của đại đội trinh sát, cối 60 hỗ trợ, bây giờ chỉ chờ bọn chúng”. 

Đồng chí Ngọc đưa mắt quan sát toàn trận địa xong đến gần bảo tôi và một đồng chí tên Vượng cùng hút thuốc lào. Vừa hút thuốc anh vừa kể chuyện gia đình, anh mới cưới vợ được mấy tháng, quê anh ở Yên Bái. Lát sau anh bảo tôi và Vượng đào thêm một hố cá nhân. Chúng tôi đang đào thêm công sự cách anh khoảng 5m bỗng nghe hét to... “pháo kích”. Theo phản xạ, tôi lao mình sang công sự phía trước vừa chạm đất thì Vượng lao nằm đè lên tôi cùng với đó là tiếng pháo đinh tai, nhức óc, lửa tóe lên như hoa cải, khói bụi mù mịt, mùi thuốc pháo khét lẹt, trời tối sầm. Hàng chục quả pháo và hỏa tiễn H12 quất thẳng vào miệng hang. Tôi và Vượng nằm chịu trận, hết loạt này đến loạt khác. Đầu tôi như bị cho vào cối giã, 2 mắt như lồi ra, lỗ tai và mũi máu ộc ra thành dòng, da đầu như bị nong ra, chân tóc rỉ máu.

Đợt pháo vừa dứt chúng tôi rũ đất đứng lên tay chộp vội súng sẵn sàng... Bên cạnh, đồng chí Ngọc đã hy sinh. Trận pháo đó, còn có đồng chí Trung đội phó Tĩnh bị thương nặng, còn lại hầu hết bị sức ép đạn pháo và bị thương nhẹ, trong đó có ông.

Câu chuyện ân tình

CCB Trần Bảo Tuấn và Liệt sỹ Vũ Xuân Hùng, phường Nông Tiến cùng học lớp 10 trường cấp 3 Tân Trào (thị xã Tuyên Quang cũ). Tháng 5-1978, cả 2 đều xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 277, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, đóng quân tại Vị Xuyên (Hà Giang). Tháng 8-1978, cả hai bổ sung về Trung đoàn 567, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, Tuấn về trung đội vệ binh, Hùng về tiểu đoàn 2. Chiến tranh biên giới nổ ra, đồng chí Hùng hy sinh ngày 26-2-1979 tại Đồi 244 đèo Khau Chỉa. 

Sau khi xuất ngũ, trở về quê nhà, trong một lần thăm gia đình liệt sỹ Hùng, bố Hùng đã nắm tay ông Tuấn và các đồng đội, nói: “Bác nhờ các con đưa thằng Hùng về nhà, nó xa nhà, xa bố mẹ lâu quá rồi, nó là anh cả phải gần các em...”. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối năm 2007, CCB Tuấn và đồng đội đã cùng gia đình Hùng đi Cao Bằng đưa anh về. 

Chào đón đoàn nơi miền biên viễn là cơn mưa chiều xối xả kèm gió bấc thổi ào ạt mang theo cái lạnh thấu xương cùng nhiều trở ngại về đường xá trơn trượt, thủ tục bốc hài cốt. Tại thời điểm đó các gia đình liệt sỹ chưa được phép tự mang hài cốt về quê hương. Trên đường xin thủ tục, đã có lúc các anh rơi vào bế tắc, tưởng rằng phải bỏ cuộc giữa chừng. Song, với sự trợ giúp tận tình của đồng đội, bà con dân bản, việc cất bốc hài cốt diễn ra thuận lợi. Sau gần 30 năm rời xa quê hương, các anh đã đưa được hài cốt Liệt sỹ Hùng về đất mẹ. 

Câu chuyện của Cựu chiến binh Trần Bảo Tuấn, Trần Văn Quang chỉ là 2 trong số hàng trăm, hàng nghìn người lính Cụ Hồ đã tham gia sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh qua đi nhưng họ - những người lính không bao giờ quên kỷ niệm chiến trường, thời khắc chiến đấu anh dũng cùng những đau thương mất mát của đồng đội. CCB Nguyễn Văn Toán, Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 567 tỉnh chia sẻ: “Hàng năm, Ban liên lạc vẫn tổ chức các chuyến thăm lại chiến trường, gặp lại đồng đội và cùng nhau ôn lại những ngày tháng thanh xuân tham gia kháng chiến, giữ chủ quyền dân tộc. Tuy nhiên, 3 năm nay đều phải tạm gác lại vì dịch bệnh nhưng không vì thế mà chúng tôi buồn bởi trong tim mỗi người lính, những năm tháng chiến đấu tại chiến trường biên cương là những ký ức không bao giờ quên”.

Ghi chép: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục