Ngọn lửa của bản Mông

- Vừa đến nắm tình hình làm nhà ở của một hộ nghèo trong thôn, nhận được tin nhà ông Vàng Seo Sáng có một con trâu bỗng nhiên bỏ ăn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng Minh Phong, lại tức tốc lên đường dù đã quá trưa. Tôi gặp anh Phong khi anh đang hớt hải đi gọi cán bộ thú y xã về bắt bệnh cho trâu của nhà dân. Anh Phong bảo: “Con trâu đó mấy chục triệu đấy, dân lo thì mình sao ngồi yên được”.

Đại biểu HĐND huyện 3 khóa liên tục

Chở tôi đi trên con đường dài hơn chục cây số từ trung tâm xã Kiến Thiết vào thôn Khuổi Khít dài 14km phải mất gần một giờ đồng hồ vì đường xấu, gồ ghề, nhiều đoạn phải xuống đi bộ, anh Phong có vẻ trầm tư. Anh bảo: “Mình làm đại biểu HĐND huyện khóa này là khóa thứ ba và đại biểu HĐND xã khóa thứ tư rồi. Chỉ mong sao kiến nghị Nhà nước hỗ trợ đầu tư tuyến đường huyện ĐH25 từ xã Tân Tiến qua đỉnh Mười đi Kiến Thiết mà mình kiến nghị nhiều lần được sớm đầu tư để người Mông ở Khuổi Khít, Khuổi Cằn được đi lại dễ dàng, xe ô tô vào tận Khuổi Khít thôi”. Hết con đường khấp khểnh, xe chúng tôi bon bon đi trên con đường bê tông dài hơn một cây số dẫn vào Khuổi Khít. Chiếc xe máy không còn phải chồm chồm lên nữa. Đây là đoạn đường bê tông mới được Nhà nước hỗ trợ xi măng, Nhân dân đóng góp ngày công và hiến đất để làm. Theo như anh Phong nói, để có được con đường này có 8 hộ dân trong thôn tự nguyện hiến đất.

Thôn Khuổi Khít có 56 hộ, 100% là người Mông sinh sống. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng khi biết chủ trương làm đường được Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân đóng góp để làm thì ai cũng vui vẻ đồng thuận. Làm đại biểu HĐND huyện, xã, là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Khít, anh Phong luôn trăn trở, tìm cách để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, là cầu nối đưa các nguồn vốn vay hỗ trợ về với người Mông ở thôn. Anh bảo: “Bà con người Mông vẫn còn khó khăn nên bê tông hóa đường giao thông sẽ làm theo giai đoạn, mỗi năm vận động bà con làm một ít”. Không chỉ nghĩ cách làm sao để nhân dân đi lại đỡ vất vả, trong các kỳ họp HĐND xã, huyện, anh Phong còn nhiều lần đại diện cho nhân dân thôn Khau Luông, Khau Làng kiến nghị với cơ quan chức năng đầu tư điện lưới quốc gia cho người dân ở hai thôn. Đến nay, đường điện đã kéo vào đến Khau Luông, Khau Làng và chỉ chờ ngày cấp điện.


Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng Minh Phong (ngoài cùng bên phải) vận động nhân dân chăm sóc rừng trồng.

Hiện nay, Khuổi Khít là thôn đi đầu trong trồng rừng sản xuất. Trước đây, người Mông ở Khuổi Khít chủ yếu trồng ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Vận động chuyển đổi sang trồng rừng khó lắm! Vì bà con lúc đó vẫn còn tư tưởng muốn có tiền ngay. Thế nhưng khi thấy một số đảng viên trong thôn bán rừng, có một khoản tiền lớn, “tiền tươi thóc thật, từ đó làm nhà, mua trâu, cho con cái ăn học thì nhận thức của bà con bắt đầu thay đổi. Chẳng phải vận động vất vả, bà con cứ thế chuyển sang trồng rừng thôi”.

Là đại biểu HĐND huyện, xã, nhiều lần được đi họp ở huyện, xã, anh Phong nắm được các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn vay. Từ đó, anh vận động nhân dân mạnh dạn mở rộng quy mô phát triển kinh tế như trồng rừng, chăn nuôi gia súc và vay vốn. Đến nay, toàn thôn có 28 hộ được vay vốn trồng rừng và 11 hộ được vay vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Phong chia sẻ: “Tổng dư nợ toàn thôn lên tới trên 1 tỷ đồng rồi. Nhiều lúc mình cũng lo lắm, nên luôn vận động nhân dân chăm chỉ làm ăn để trả tiền vay cho Nhà nước đúng kỳ hạn, không thể cứ vay mãi được”. Giờ đây, Khuổi Khít đã có 180 ha rừng, trong đó một nửa đã được khai thác. Ngoài ra, thôn còn phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò và gia cầm. Đàn gia súc, gia cầm của toàn thôn lên tới trên 3 nghìn con.

Sát cánh với người dân

Người dân ở Khuổi Khít đến giờ vẫn nhắc lại câu chuyện bầu trưởng thôn năm 2019. Thực hiện chủ trương trưởng thôn phải là đảng viên, Đảng ủy xã giới thiệu anh Phong để nhân dân bầu Trưởng thôn. Bà con ai cũng đồng ý bầu bằng hình thức biểu quyết nhưng nhằm đảm bảo tinh thần dân chủ, anh Phong quyết định lựa chọn hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả qua bỏ phiếu kín, anh Phong vẫn được 100% nhân dân tín nhiệm bầu Trưởng thôn. Bà Vàng Thị Sế năm 2020 đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo kể lại: “Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng Minh Phong toàn bảo cho nhà mình cái hay, cái đúng nên mình nghe, mình theo.


Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng Minh Phong (ngoài cùng bên phải) nắm tình hình nuôi trâu tại gia đình ông Vàng Seo Sáng.

Chồng mình mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ. Bí thư  Chi bộ, Trưởng thôn Phong vận động và hỗ trợ mình vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng rừng. Nhà mình có 4 ha rừng nhưng những năm trước đây không biết đầu tư nên tiền không được nhiều. Có chút vốn vay, mình đầu tư nhân lực chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật. Vừa rồi mình bán được 1 ha rừng đến tuổi khai thác, thu về gần trăm triệu đồng. Mình quyết định xin ra khỏi hộ nghèo. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong còn vận động nhân dân trong thôn bỏ ngày công giúp mình gặt lúa, xin cho các con mình được hưởng các chính sách của Nhà nước trong học tập”.

Ông Vàng Seo Sáng, người dân trong thôn nói: “Nhà ai có người ốm đau, có việc buồn, có trâu, bò ốm, trồng rừng không nên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong đều có mặt ngay để giúp đỡ. Nếu không có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong thì bà con ở đây vẫn chưa biết làm rừng, chưa thoát nghèo được đâu!”.

Chi bộ Khuổi Khít hiện có 6 đảng viên. Anh Phong phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, mỗi năm, một đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo thoát nghèo. Năm 2020, thôn có 6 hộ nghèo thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của các đảng viên trong chi bộ. Anh Phong còn vận động nhân dân trong thôn giúp đỡ hộ nghèo trong thôn ngày công làm nhà ở. Vừa qua, anh đã vận động nhân dân giúp đỡ 3 hộ nghèo làm nhà ở mới.

Ông Giàng Seo Tuấn, vừa được Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong vận động nhân dân trong thôn hỗ trợ làm nhà ở cho biết: “Nhà mình ít đất sản xuất. Nhà có hai vợ chồng đã quá tuổi lao động và mẹ già nên khi làm nhà mới đã được nhân dân trong thôn đến hỗ trợ vận chuyển đồ đạc, san nền, lợp mái nhà. Nhờ thế tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Những ngày làm nhà, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong đều đến để hỏi gia đình mình cần giúp đỡ gì để chi bộ và thôn bàn bạc, huy động thôn hỗ trợ. Giờ có nhà ở mới tốt hơn, mình sẽ cố gắng làm lụng để sớm thoát nghèo”.

Những việc Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong làm cho người Mông ở Kiến Thiết đang hiện hữu rõ ở từng nếp nhà của người Mông, góp phần làm cho đời sống của người Mông nơi đây ngày càng giàu có, trọn lòng tin và nghe theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục