Qua miền Tây Bắc

- Nhắc đến địa danh Điện Biên, không ai trong chúng ta không nhớ tới một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Điện Biên Phủ không chỉ nơi ghi danh chiến thắng chống giặc ngoại xâm, mà còn là nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Những nấm mộ không tên

Ngay sau cuộc hành trình về nguồn tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), những người làm báo Tuyên Quang tiếp tục chuyến hành trình về nguồn dâng hương viếng nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ tại Tây Bắc. Trải qua hơn 500 km đường dốc chon von, uốn lượn, đoàn đã đến được mảnh đất Điện Biên anh hùng. 

Điểm đầu tiên trong hành trình dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ Điện Biên là Đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Công trình Đền thờ liệt sỹ toạ lạc trên đồi F, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng vào ngày 13-3-2021 (kỷ niệm 67 năm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ). Sau hơn 1 năm thi công, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 5 vừa qua.

Đoàn Báo Tuyên Quang dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1.

Cách đó không xa, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 - nơi an nghỉ của 645 liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chỉ có 4 ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can, còn lại hầu hết là các ngôi mộ vô danh. Nhìn những tấm bia “không xác định thông tin” nghi ngút khói hương hoà quyện trong nắng, lòng ai cũng rưng rưng xúc động, trào dâng nước mắt. 

Các đồng chí lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên Báo Tuyên Quang dâng hương tại Bảng vàng các liệt sỹ của tỉnh Tuyên Quang hi sinh tại đồi A1.

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, đoàn tiếp tục đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại 3 nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Tông Khao, Độc Lập. Tại 3 nghĩa trang này có hơn 5.330 liệt sĩ đang yên nghỉ nhưng chỉ có hơn 1.000 ngôi mộ xác định được thông tin còn lại đều là những tấm bia trắng, trong đó, có rất nhiều ngôi mộ là người con Tuyên Quang. 

Thắp nén nhang trên từng nấm mộ, trên những tấm bia không tên, cổ họng chúng tôi nghẹn lại, ai nấy nước mắt ướt đẫm làn mi. Với riêng tôi, một phóng viên may mắn từng được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bác cựu chiến binh, thương binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng khi được đến đây, tôi mới cảm nhận sâu hơn về những anh dũng, quật cường của những người lính. Để có được tự do như hôm nay là bao xương máu của lớp cha ông đã ngã xuống. Những người làm báo Tuyên Quang đã thắp những nén hương thơm để tỏ lòng tôn kính, sưởi ấm mộ phần các anh. 

Trong chuyến đi này, những người làm báo Tuyên Quang may mắn được chiêm ngưỡng bức tranh Panorama lớn nhất Đông Nam Á tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thăm khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang liệt sỹ A1, Bảng vàng các liệt sỹ hi sinh tại đồi A1 luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến viếng thăm dịp 27-7.

Chia tay Điện Biên, đoàn tiếp tục xuôi đèo Pha Đin về Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Nơi đây là điểm nối giữa Quốc lộ 41 (nay là Quốc lộ 6) với Quốc lộ 13 (nay là Quốc lộ 37). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngã ba Cò Nòi là trọng điểm giao thông huyết mạch nối liền miền Bắc với Tây Bắc, bị quân Pháp đánh phá ác liệt.

Tại đây, hơn 100 thanh niên xung phong (TNXP) và người dân địa phương đã anh dũng hy sinh. Để ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của quân và dân, các anh hùng liệt sĩ và lực lượng TNXP tại Ngã ba Cò Nòi lịch sử, năm 2000, Trung ương Đoàn thanh niên và UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi. Đến năm 2002, Đài tưởng niệm khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm. Năm 2020, Di tích tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gồm nhà tưởng niệm, bia ghi công và một số hạng mục khác.

Đoàn cán bộ, nhân viên Báo Tuyên Quang dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La).

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi khắc ghi mốc son lịch sử hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là công trình lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ Việt Nam. 

Anh Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện kiêm Giám đốc Ban quản lý Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương mà còn trở thành một điểm đến quen thuộc của các đoàn du khách và nhân dân trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn “qua miền Tây Bắc".

Bản hùng ca vang mãi

Những ngày này, tại các nghĩa trang liệt sỹ ở Điện Biên Phủ, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi tấp nập các đoàn du khách đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Từ các em học sinh đến các cụ già, những cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi hay các chiến trường khác đều có chung tấm lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Những nén nhang được thắp cho từng phần mộ, trong không khí trang nghiêm, ai ai cũng dành cho mình một phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ về công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh cả máu xương giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Cán bộ và nhân dân địa bàn phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1.

Trong dòng người đến viếng nghĩa trang, cụ ông Nguyễn Trọng Đàm, tổ 1, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ nguyên là chiến sĩ Điện Biên nay đã 90 tuổi hoà cùng dòng người đến viếng. Ông Đàm có chú và em trai ruột đều là liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Thắp nén nhang cho những người đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên, xúc động lau những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo, cụ ông Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ: “Lính Pháp gọi đồi A1 là “cối xay thịt”, bộ đội ta hy sinh rất nhiều ở đây, trong đó có chú và em trai ruột của tôi. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Thương binh - Liệt sỹ, tôi đến đây thương nhớ người thân, đồng đội của mình. Những người đã anh dũng hy sinh để Điện Biên có được ngày hôm nay”.  

 Đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị tỉnh Điện Biên đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Him Lam.

Trong dòng người tấp nập về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn những ngày này không chỉ có các cựu chiến binh đến thắp hương tưởng nhớ đồng đội, mà còn có cả những thân nhân gia đình liệt sĩ vẫn cần mẫn, khắc khoải từng ngày đi tìm thông tin người thân của mình. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn hiển hiện còn đó trong từng ánh mắt của những người ở lại. Điều duy nhất giúp họ ấm lòng lại là biết rằng không phải chỉ trong mỗi tháng 7 tri ân mà mỗi ngày từng phần mộ ở nơi đây vẫn đều được quan tâm, chăm sóc, ấm hương thơm cho các liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Khay, năm nay hơn 90 tuổi quê Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) nay cũng được con cháu đưa lên thắp hương cho các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia A1. Bà Khay bảo, gia đình bà có em trai chồng cũng là liệt sỹ chiến trường miền Nam và hiện chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế, khi lên Điện Biên, bà đã nhờ con cháu đưa bà lên thắp nén hương các phần mộ liệt sỹ, an ủi sưởi ấm các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc. 

Chị Lương Thị Loan, tổ 15, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ đưa con đến thắp hương các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia A1.

Chị Lương Thị Loan, tổ 15, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Đứng trước những phần mộ liệt sỹ với hầu hết là chưa rõ tên tuổi liệt sỹ, tôi xúc động vô cùng. Hàng năm, tôi đều dẫn các con lên các nghĩa trang liệt sỹ thắp hương để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Để cho các con ghi nhớ được những chiến tích, sự hi sinh, mất mát để nhớ ơn tới các anh hùng đã ngã xuống, giữ lại nền độc lập cho dân tộc mình".

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) nhìn dòng người về viếng tại Ngã ba Cò Nòi, không khỏi tự hào, xúc động. Bà Khay chia sẻ, với những ý nghĩa lịch sử này, hi vọng một ngày không xa, ngã ba Cò Nòi cũng sẽ được nhiều người biết đến, như Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) hay Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An).  

Đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị tỉnh Điện Biên đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ A1.

Chia tay mảnh đất Tây Bắc, mỗi người trong đoàn Báo Tuyên Quang thêm tự hào, hãnh diện về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ý chí kiên cường, bất tử của các chiến sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi. Thế hệ trẻ những người làm báo nói chung, Báo Tuyên Quang nói riêng mãi mãi ghi nhớ, tri ân công lao các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ tiền thân tại nơi đây. 

Xa Điện Biên, Cò Nòi - những câu trong bài hát "Qua miền Tây Bắc" của tác giả Nguyễn Thành vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi: “Đây miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan, nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do/Miền rừng núi hướng về Cha già, từ đây đời sống chan hoà. Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui…”

Ghi chép: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục