Ước mơ không còn xa...

- Sau nhiều năm chạy chợ buôn bán, chị Lê Thị Hà, hội viên phụ nữ thôn 3, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) bất ngờ bị tai biến. Không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình, với tinh thần lạc quan và sự động viên, sát cánh của ông xã, chị Hà đã vượt lên, cùng chồng phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tổng hợp. Ước mơ cuộc sống khá giả của gia đình chị không còn xa.

Khó không nản

Những năm trước, chị Hà từng làm nghề buôn bán hoa quả. Quanh năm đầu tắt mặt tối, dãi nắng dầm mưa, hết chợ Tam Cờ lại về chợ xã. Chồng chị làm bảo vệ. Hai con còn nhỏ nên dù 2 vợ chồng có tần tảo, chăm chỉ đến mấy thì kinh tế có lúc vẫn eo hẹp. Thoạt nhìn bên ngoài, trông chị Hà khá nhanh nhẹn và niềm nở. Thế nhưng nếu mới chỉ gặp lần đầu thì ít ai biết bên ẩn chứa bên trong chị là bao nỗi buồn đau. Chị Hà tâm sự: “Chị phát hiện bị phình mạnh máu não từ khi đang có bầu đứa con thứ hai. Thi thoảng những cơn động kinh bất ngờ xuất hiện khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Có những lúc chị đi chợ mà quên đường về nhà. Có khi đang làm thì bị ngất hoặc phải ngồi nghỉ một lúc mới làm tiếp được. Nhiều năm chị phải ăn Tết ở bệnh viện... ".

Mãi đến năm 2016, chị mới có điều kiện để mổ não. Từ lúc mổ não xong, sức khỏe yếu hơn trước, bệnh động kinh vẫn không khỏi nên chị không đi chợ buôn bán được nữa. Nghĩ đến bệnh tật, sức khỏe yếu chị lại ứa nước mắt. Nhưng nghĩ đến chồng, con chị lại phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba.

Chị Hà dẫn khách tham quan chuồng trại chăn nuôi bò kết hợp nuôi giun trùn quế

Hai vợ chồng chị động viên nhau tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại nhà. Ban đầu là chăn nuôi vài con lợn nhưng do dịch bệnh, lợn chết không thu được đồng nào. Anh chị lại gom được hơn 20 triệu đồng mua 1 con bò cái về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên bò cái đẻ con và sinh trưởng tốt. Con cái chị để lại nuôi, con đực thì đem bán. Đàn bò tăng dần theo từng năm. Có năm chị bán được 4 -5 con bò giống, với giá 12 – 13 triệu đồng/con. Hiện 2 chuồng bò của chị có 6 con bò cái.

Tận dụng phân bò và hạn chế ô nhiễm môi trường, chị kết hợp nuôi vài bể giun trùn quế. Chị vừa bán phân trùn vừa sử dụng để phân bón cho 7 gốc bưởi Diễn và Soi Hà. Mỗi năm thu hoạch bưởi cũng được khoảng 5-7 triệu đồng. Kể từ khi chị nghỉ làm ở nhà, gánh nặng kinh tế đè nặng hơn lên vai anh Hoàng Văn Huy - chồng chị. Nhưng anh luôn ân cần và là chỗ dựa vững chắc của chị. Lo sợ vợ bị ngất nên anh lắp camera ở trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn để có thể quan sát vợ ở nhà khi anh vắng mặt.

Mạnh dạn làm nông nghiệp công nghệ cao

Thương chồng, chị Hà luôn mong muốn mở rộng sản xuất tại nhà để có thêm thu nhập, chia sẻ bớt nỗi vất vả cùng chồng, chăm lo tốt cho chuyện học hành cho các con. Nhận thấy nhu cầu rau, củ, quả sạch ngày càng được các gia đình ưa chuộng, chị đánh liều bàn với chồng xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới. Ý tưởng được chồng và anh em họ hàng ủng hộ nhiệt tình nên vợ chồng chị bắt tay vào làm ngay.

Nhà lưới của chị Hà được đầu tư quy mô, hiện đại

Bước vào tham quan khu nhà lưới của vợ chồng chị Hà, chúng tôi khá bất ngờ vì sự quy mô, hiện đại của nhà lưới. Toàn bộ khung nhà bằng sắt dày dặn, cao chừng 4m, quây xung quanh là lớp lưới cước mắt nhỏ vừa ngăn được côn trùng, chống mưa hắt, vừa thoáng mát. Các luống cây thẳng đều tăm tắp, tỷ lệ luống cách luống 90 cm. Toàn bộ phần nền đất trong nhà lưới được phủ bằng màng phủ nông nghiệp. Mỗi cây được trồng trong bầu đất, kèm theo đó là các sợi dây se nông nghiệp buộc từ đỉnh khung giàn xuống để cho thân cây leo lên. Dưới mỗi bầu cây có cắm một que tưới nước nhỏ giọt...

Chị Hà giới thiệu, nhà lưới được đầu tư với số vốn gần 1 tỷ đồng. Trong đó, vợ chồng anh chị chỉ có gần 200 triệu đồng, còn lại là anh em họ hàng hỗ trợ. Năm 2022, chị trồng dưa chuột Nhật bao tử trong nhà lưới rộng 300m2. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, chị mới thu hoạch được 2 vụ dưa chuột, đạt 7-9 tạ/vụ, bán với giá 35 nghìn đồng/kg. Khách hàng chủ yếu là khách quen trên địa bàn. Nhưng cũng có siêu thị ở tận Bắc Giang ngỏ ý muốn đặt hàng để bán xong chị chưa dám nhận lời vì chưa đáp ứng được số lượng lớn.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan, chị Hà vừa cẩn thận đỡ từng ngọn bí quấn vào các dây se đã buộc sẵn để ngọn cây leo lên. Chị Hà cho biết, khu vực nhà lưới rộng hơn 300m2 này vừa được vợ chồng chị mở rộng đầu năm 2023, trồng thử nghiệm bí thơm Nhật bao tử, dưa chuột Chi-Lê, dâu tây Bỉ và dưa lưới Nhật.

Chị Lê Thị Hà.

Các giống cây này đều do người anh em họ hàng ở nước ngoài gửi về cho chị trồng, đảm bảo giống khỏe, chất lượng nên rất yên tâm. Hơn nữa, do đầu tư nhà giàn tốt, hệ thống tưới phun tự động ngay từ ban đầu nên các quy trình chăm sóc không mất nhiều công. Ngoài ra, sẵn có phân trùn quế nhà tự nuôi được để bón nên cây phát triển rất tốt, không phải sử dụng phân thuốc hóa học. Hai vợ chồng chị sử dụng hiệu quả điện thoại thông minh để vào mạng tìm hiểu và nâng cao kiến thức về trồng rau trong nhà lưới và bán rau sạch.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Hà là một điển hình trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để tăng năng suất, giá trị cho sản phẩm. Đây cũng là "điểm sáng" cần được chính quyền địa phương lưu tâm trên lộ trình thực hiện nâng cao các tiêu chí để về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chúc gia đình chị Hà sẽ có nhiều sức khỏe, tiếp tục gặt hái những “mùa vàng” trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phóng sự: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục