Phụ nữ Xuân Lập gìn giữ trang phục truyền thống

- Vừa qua, tại hội thi thêu, dệt trang phục truyền thống, các hội viên phụ nữ xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã để lại nhiều ấn tượng khi cho ra những sản phẩm vô cùng đẹp mắt mang bản sắc dân tộc Dao, Mông.

Phụ nữ dân tộc Mông thêu trang phục truyền thống.

Chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lập cho biết, đến với hội thi này, phụ nữ xã Xuân Lập trình diễn nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao và Mông. Đây là 2 dân tộc chiếm số đông ở xã, trong đó Mông chiếm 60%, Dao chiếm khoảng 30%, còn lại là các dân tộc khác. Điều thuận lợi là hầu hết trong mỗi gia đình người Mông, người Dao đều có người biết thêu. Dù họ đã cao tuổi nhưng đây là lực lượng nòng cốt truyền dạy nghề thêu cho người trẻ.

Cầm tấm khăn đội đầu của phụ nữ Dao đỏ lên, chị Xuân chia sẻ, chiếc khăn này làm rất kỳ công, nhanh cũng phải cả tháng trời hoặc lâu hơn. Chị em phải tỉ mỉ trong từng đường thêu, rồi tinh tế phối màu chỉ (trắng, đỏ, vàng,...) sao cho đẹp mắt. Đặc biệt, các họa tiết hoa văn được mô tả đòi hỏi trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú.

Nói thêm về trang phục dân tộc Dao đỏ, chị Chúc Thị Xị, thôn Lũng Giềng - một trong những người thêu đẹp nhất thôn cho biết thêm: Biết thêu đã khó nhưng thêu đẹp càng khó hơn. Các họa tiết hoa văn trên trang phục dân tộc Dao chỉ mang tính ước lệ, mô phỏng về thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Không có kiểu mẫu nhất định, tất cả đều là sự tưởng tượng của con người. Bởi thế, cùng một chiếc khăn đội đầu nhưng hoa văn không chiếc nào giống nhau. Rồi chiếc quần, vạt áo, yếm... cũng vậy, sản phẩm người nào làm ra đều mang bản sắc, dấu ấn riêng, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ. Chính bởi thế, trang phục dân tộc Dao đỏ luôn có sức hút riêng.

Một số sản phẩm vừa hoàn thiện.

Trực tiếp cùng chị em thi thêu trang phục của dân tộc Mông, chị Vàng Thị Phương, thôn Lũng Giềng phấn khởi nói, chị rất vui vì có nhiều du khách đến thuê trang phục để chụp ảnh, có người còn thêu thử rồi hỏi chị về kỹ thuật thêu. Tuy nhiên, cách thêu không thể học ngay được. Như các chị phải học từ bé, lớn lên đến năm 12-13 tuổi mới biết thêu. Nhưng để hoàn thiện bộ trang phục có khi phải mất cả năm. Nhất là quần áo cô dâu còn cầu kỳ hơn nhiều. Bởi thế trước khi lấy chồng, hầu như phụ nữ Mông dành toàn bộ thời gian để thêu trang phục. Người nào không thêu được phải mua, giá rất cao, 10-12 triệu đồng/bộ.

Hiện nay, hầu hết phụ nữ dân tộc Mông, Dao ở Xuân Lập đều diện những bộ trang phục dân tộc để đi chơi hội, lễ, Tết. Đó là niềm tự hào, là bản sắc riêng mà họ muốn khẳng định với cộng đồng về sự tồn tại cũng như những sáng tạo không ngừng của các thế hệ trong việc gìn giữ, trao truyền báu vật của tổ tiên.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục