Đội văn nghệ thôn Nà Lạ trong một lần biểu diễn tại chợ đêm Na Hang.
Như đã hẹn, 12h trưa chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa thôn Nà Lạ. Chờ đón chúng tôi là chị Mai - người phụ nữ chưa đầy 30 tuổi và khoảng chục phụ nữ dân tộc Dao đỏ rực rỡ trong trang phục truyền thống. Sau lời chào hỏi thân tình, chị Mai giới thiệu, ở đây mỗi người một thế mạnh. Người cao tuổi thì biết hát Páo Dung, biết thêu trang phục. Người trẻ hơn lại mạnh về dân vũ, nhạc hiện đại. Nếu biết kết hợp lại thì sẽ xây dựng được đội văn nghệ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao, vừa có yếu tố hiện đại. Nghĩ là vậy nhưng thực hiện được là chuyện không đơn giản.
Chị Mai chia sẻ, nhiều người ban đầu khi vận động tham gia văn nghệ khá rụt rè. Phần thì cho rằng tuổi đã cao; phần thì cũng rất ít, thậm chí chưa bao giờ tham gia văn nghệ. Hơn nữa, các hộ dân sinh sống khá xa nhau, tập hợp lại để luyện tập văn nghệ cũng mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, lợi thế ở đây gần 100% là đồng bào dân tộc Dao đỏ. Bản sắc văn hóa Dao vẫn được gìn giữ trong từng nếp nhà, từ trang phục, tiếng nói vẫn được bà con duy trì hàng ngày. Sau khi học hỏi, tham khảo nhiều nơi, chị Mai đã vận động chị em tham gia cùng luyện tập văn nghệ. Những buổi biểu diễn đầu tiên tại thôn, xã được đông đảo người dân cổ vũ đã tiếp thêm động lực để chị em tự tin hơn trong những lần biểu diễn sau. Rồi bất ngờ hơn khi biểu diễn tại chợ đêm Na Hang, rất nhiều người đến chụp ảnh cùng đội văn nghệ. Lúc ấy chị Mai mới nhận ra, người đến xem họ thích cái mộc mạc, chân chất của đồng bào vùng cao, thích trang phục độc đáo, lạ mắt mang bản sắc riêng. Nếu đi sâu vào chất riêng ấy sẽ tạo được sức hút.
Chị Lý Thị Mai (phải ảnh) là hạt nhân văn nghệ của thôn Nà Lạ.
Với cách nghĩ này, chị đã vận động chị em duy trì việc may, thêu trang phục dân tộc. Người biết dạy người chưa biết, người già dạy người trẻ. Bà Triệu Thị Lứu năm nay đã 60 tuổi nhưng vẫn đau đáu với việc giữ nghề thêu truyền thống. Bà bộc bạch, thế hệ các bà ai cũng biết thêu, cứ nhìn các bà, các mẹ thêu rồi bắt chước làm theo. Lớn lên chút mới hiểu các họa tiết hoa văn trên trang phục là mô phỏng thiên nhiên với các hình cỏ cây, hoa lá... Đó những thứ gắn bó với cuộc sống đồng bào Dao. Nhưng mô phỏng sao cho đẹp thì phụ thuộc vào sự sáng tạo cũng như bàn tay khéo léo của phụ nữ. Chính vì thế, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao tuy giống về kiểu dáng, chi tiết nhưng họa tiết hoa văn không bộ nào giống bộ nào. Khi thêu, tùy cảm hứng mà phụ nữ Dao có thể sáng tạo để tạo nên bộ trang phục mang dấu ấn riêng. Có lẽ đó cũng chính là một trong những yếu tố đặc biệt để nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhấc tấm khăn đội đầu lên, bà Lứu tự hào, giờ bọn trẻ say sưa gìn giữ trang phục bà vui lắm. Bà tin, chúng nó sẽ làm thêm những bộ trang phục đẹp hơn thế hệ các bà rất nhiều.
Đúng như mong ước của bà Lứu cũng như những người cao tuổi ở Nà Lạ, đến nay trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ vẫn được những người trẻ như chị Mai gìn giữ. Bằng chứng là ngoài bộ trang phục mặc trong sinh hoạt hàng ngày các chị em đều dành riêng bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để đi chơi hội hay biểu diễn văn nghệ. Và hình ảnh những cô gái Dao đỏ rực rỡ trong trang phục truyền thống xuất hiện khá dày đặc trên mạng xã hội cho thấy sức hút của riêng họ. Phát huy lợi thế này, chị Mai còn vận động chị em tích cực sưu tầm, gìn giữ các làn điệu Páo Dung. Để bản sắc văn hóa dân tộc Dao được lưu giữ, phát triển, lan tỏa trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết