Nhà báo muốn nghe thổi khèn à? Cái này lâu rồi không thổi không biết có còn hay không nữa?
Nói rồi ông lấy chiếc khèn ra lau chùi rồi lấy hơi. Hết khúc dạo đầu, ông lắc đầu:
Chưa được. Món này phải có tý.
Rồi ông vào góc nhà, rót lấy một chén rượu (chén vại đồng bào vẫn hay sử dụng). Uống cạn một hơi, ông cười rồi bảo, rượu thuốc thôi, rất tốt cho sức khỏe. Quan trọng có tý hơi men vào mới mềm môi, gân cốt giãn ra, thổi mới hay, mới say.
Câu chuyện về vũ điệu khèn Mông được mở ra từ chia sẻ chân thật, mộc mạc như thế của ông Hoàng Văn Thành, thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Ông Hoàng Văn Thành, thôn Lè biết thổi khèn Mông từ năm 13-14 tuổi.
Ông là 1 trong 2 người biết thổi khèn Mông ở thôn Lè. Ông chia sẻ, thời trai trẻ, cứ đi chơi xuân, xuống chợ là ông và đám trai làng lại mang khèn theo. Tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng không chỉ thay lời tâm sự của chàng trai với cô gái mình để ý mà còn bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai Mông. Bởi theo quan niệm của người Mông, con gái phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa và con trai phải biết thổi khèn và múa khèn. Vì thế, từ 13-14 tuổi ông đã biết thổi khèn. Ông bảo, bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn,... Khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới,… Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư tình cảm của mình.
Không chỉ thổi khèn hay mà con trai Mông còn phải biết múa khèn giỏi. Theo ông Tráng Chín Lìn, thôn Nà Mộ, nếu học thổi khèn chỉ mất 1-2 tháng thì học múa khèn phải mất vài ba năm. Bởi học múa khèn cũng giống học võ. Người biết múa khèn phải có thân hình khỏe mạnh, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài.
Để chúng tôi hiểu thêm về độ khó của điệu múa truyền thống này, ông Lìn bảo, khi múa tất cả các bộ phận của cơ thể phải chuyển động. Các động tác múa khá phức tạp: nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, chồng chuối, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… Tốc độ múa càng nhanh càng điêu luyện.
Dường như để chống chọi, thích nghi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vũ điệu khèn của người Mông cũng mạnh mẽ, kiên cường như cuộc sống của họ. Khèn ngấm vào máu thịt, như là phần hồn của người Mông, mãi được họ gìn giữ, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Gửi phản hồi
In bài viết