Thổ cẩm khoe sắc
Mặc trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ, chị Lý Thị Mai, Chi hội trưởng Chị hội phụ nữ thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) chia sẻ: Chị em trong thôn phần lớn là người Dao đỏ. Không ai bảo ai, cứ trong thôn có ngày lễ, hội là bà con lại mặc trang phục truyền thống. Ai cũng có ít nhất 2 bộ. Bộ mặc trong sinh hoạt hàng ngày đơn giản hơn, cũ hơn; bộ mặc trong ngày lễ thì mới hơn, đẹp hơn.
Với bà con người Dao, việc giữ trang phục được duy trì trong từng nếp nhà. Phụ nữ Dao lên 12-13 tuổi đã biết thêu. Người Dao không cầm tay dạy thêu mà người bé quan sát người lớn làm rồi nhớ và học theo. Nhờ vậy, họa tiết hoa văn trên mỗi trang phục mặc dù vẫn là mô tả cỏ cây, hoa lá, động vật nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Tất cả phụ thuộc vào bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Cùng với sắc đỏ rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao là những gam màu đầy sống động trong trang phục của phụ nữ Mông.
Chị em phụ nữ các dân tộc thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình) rực rỡ trong ngày hội Đại đoàn kết.
Chị Hoàng Thị Mai, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chia sẻ: Mặc dù trang phục của phụ nữ dân tộc Mông ít nhiều bị mai một nhưng tình yêu với trang phục truyền thống của phụ nữ người Mông chưa bao giờ nguôi ngoai. Bởi thế, phụ nữ Mông mặc trang phục dân tộc hàng ngày. Khi có việc thì họ chọn bộ mới hơn. Trong ngày hội Đại đoàn kết ở thôn, ai cũng xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, vô cùng duyên dáng và đẹp mắt.
Hòa cùng màu sắc sặc sỡ trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, Dao là nét dịu dàng, trầm ấm trong trang phục của những phụ nữ Tày, Cao Lan, Nùng... Tất cả mang đến vườn hoa rực rỡ sắc màu, thắm tình đoàn kết.
Phụ nữ Cao Lan xã Lưỡng Vượng duyên dáng trong trang phục truyền thống.
Vang tiếng nhạc rừng
Những giai điệu Then mượt mà đắm thắm; tiếng chuông, tiếng nhạc trống Sành rộn ràng, vui tươi; tiếng Páo Dung trầm bổng, da diết; vũ điệu khèn Mông say đắm... là bản nhạc đầy sống động mà đồng các dân tộc mang đến trong ngày hội đại đoàn kết. Trong giây phút lắng lòng mình, chúng tôi như nghe vang vọng đâu đây tiếng nhạc của núi rừng; lúc mượt mà, da diết, khi lại rộn ràng, reo vang. Để có bản hòa tấu thiên nhiên đa âm sắc ấy là bao tâm huyết của những người ngày đêm luôn đau đáu gìn giữ di sản của dân tộc.
Chị Phan Thị Bắc, Chủ nhiệm câu lạc bộ Sình Ca Cao Lan ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) bày tỏ: Người Cao Lan rất tự hào về vốn văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là kho tàng Sình Ca. Sình Ca vang lên không chỉ trong ngày hội Đại đoàn kết mà trong tất cả các ngày vui của người Cao Lan. Giờ Hiện nay, ngoài việc duy trì điệu múa Chim gâu truyền thống, câu lạc bộ còn tích cực luyện tập thêm điệu múa Xúc tép, múa Còn, múa Cầu mùa... Các thành viên Câu lạc bộ cũng chú trọng viết lời mới cho làn điệu Sình Ca như hát mừng đám cưới, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi quê hương đổi mới....
Phụ nữ thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) biểu diễn văn nghệ trong ngày hội đại đoàn kết.
Dự ngày hội đại đoàn kết tại khu dân cư, anh Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả (Na Hang) vui mừng cho biết: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc qua mỗi năm, chất lượng tổ chức của mỗi khu dân cư được nâng lên. Bên cạnh phần lễ nghiêm trang, phần hội đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Và đặc biệt, bản sắc dân tộc được bà con khai thác đậm nét qua các làn điệu dân ca, dân vũ, qua đó góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa địa phương.
Những làn điệu dân ca, dân vũ sôi động vang lên trong ngày hội đại đoàn kết cho thấy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đang ngày một lan tỏa. Tất cả góp phần làm dày thêm vốn văn hóa truyền thống đậm sâu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết