Cán bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ dọn dẹp, kê đồ cho người dân thôn Phú Thị, xã Chi Thiết.
Theo thống kê ban đầu của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, toàn huyện có hơn 1.000 ha cây trồng nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng; gần 300 con gia súc, gia cầm bị chết; 79 ha diện tích ao cá bị tràn bờ… Nhiều hộ gia đình bị tốc mái, nước ngập sâu gây hỏng các vật dụng, đồ dùng trong nhà như giường, tủ, bàn ghế.
Ngày 14/9, Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, Hội Nông dân, Huyện đoàn Sơn Dương…cùng các xã, thôn và người dân trên địa bàn các xã Chi Thiết, Đông Lợi, Văn Phú, Quyết Thắng… ra quân tổng vệ sinh đường sá, kênh mương, hỗ trợ các gia đình lau rửa đồ đạc, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, quét dọn đường làng, ngõ xóm.
Văn phòng Huyện ủy Sơn Dương cùng cán bộ xã, thôn và người dân dọn dẹp nhà cửa sau khi nước rút.
Cùng với việc vận động nhân dân chuẩn bị các điều kiện để tiến hành vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa sau lũ, các cấp, ngành chức năng đã hướng dẫn và cùng bà con tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ...
Chị Hoàng Thị Hoan, thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng chia sẻ: “Năm nay lúa tốt bời bời, thế mà mưa lũ ngập hỏng hết. Nhà cửa cũng bị ngập nặng, cũng may có chính quyền, cán bộ, đoàn viên thanh niên giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, khắc phục sau mưa lũ giúp chúng tôi vơi bớt đi phần nào khó khăn trước mắt”.
Đoàn Thanh niên cùng cán bộ, công chức xã, Công ty cổ phần giấy An Hòa dọn dẹp, đắp lại đoạn đường đê bị lở thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng.
Ông Đỗ Văn Hùng, thôn An Khang, xã Đông Lợi mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng vẫn rất lạc quan: “Còn người, còn đất thì còn của. Có cán bộ, chính quyền cùng giúp đỡ chúng tôi sẽ nhanh chóng dọn dẹp tàn dư của bão lũ, vệ sinh đồng ruộng, kênh mương chuẩn bị trồng ngô đông và các loại cây ngắn ngày như: bắp cải, su hào để bù đắp lại một phần thiệt hại. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi thôi.”
“Sự đồng lòng và hỗ trợ từ mọi phía là yếu tố quyết định để chúng ta có thể nhanh chóng khôi phục và phát triển. Chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cứu trợ, và đặc biệt là người dân đã làm việc và hỗ trợ cùng nhau, góp phần tạo nên một hình ảnh đẹp về sự đoàn kết và tinh thần vượt khó. Đây là những bài học quý giá mà chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ và phát huy trong công tác khắc phục thiên tai sau này” – bà Phạm Thị Huệ, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương cùng người dân tập trung quét dọn đường đi trên địa bàn thôn An Khang, xã Đông Lợi.
Những thiệt hại do lũ gây ra trên địa bàn huyện là hết sức nặng nề, song với chỉ đạo sâu sát cùng với sự đồng lòng, chung tay của các cấp, chính quyền, sự quyết tâm của địa phương và người dân. Tin rằng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Sơn Dương bước đầu được khắc phục và sẽ sớm được phục hồi.
Gửi phản hồi
In bài viết