Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

- Trận lũ lịch sử nhất trong nhiều năm đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho các địa phương trong tỉnh. Sau khi nước rút, các địa phương bắt tay khắc phục hậu quả. Đã xuất hiện những vấn đề cần quan tâm trước, trong và sau lũ.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nghe lãnh đạo huyện Sơn Dương báo cáo tình hình mưa lũ trên địa bàn.

Thiệt hại rất lớn

Thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hết ngày 11-9, trận lũ lịch sử đã làm 5 người chết và 19.000 nhà dân bị hư hỏng, ảnh hưởng. Trong đó có 883 nhà bị hư hỏng; 18.698 nhà bị ngập nước. TP Tuyên Quang thiệt hại nặng nhất với trên 13.600 nhà, Chiêm Hóa 1.276 nhà, Yên Sơn 1.860 nhà, Sơn Dương 857 nhà; Hàm Yên 491 nhà; Na Hang 520 nhà. 4.785 hộ phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ còn gây hư hại trên 7.000 ha lúa, ngô, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và làm vỡ 88 lồng bè nuôi trồng thủy sản...

Tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), theo thống kê của UBND xã, đến 10 giờ sáng ngày 12-9 vẫn còn 12 thôn bị cô lập do mưa lũ. Lực lượng chức năng của huyện, xã cùng các đoàn thiện nguyện đã sử dụng phương tiện đường thủy tiếp cận từng thôn, tiếp tế lương thực, thực phẩm đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, thiếu nước sạch, ốm đau không thể đến viện trong những ngày bão lũ. Ngoài ra còn một số lồng bè nuôi cá đặc sản của bà con cũng bị lũ dữ cuốn trôi.

Trường THCS Ỷ La đã huy động giáo viên, phụ huynh tham gia dọn dẹp vệ sinh ngay khi nước rút.

Trận lũ cũng làm vỡ 10 m đê thuộc địa phận xã Quyết Thắng (Sơn Dương). Công trình kè chống sạt lở bờ sông Gâm ngay sau hạ lưu Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang bị sạt hư hỏng nhiều vị trí, hiện tại chưa xác định được mức độ thiệt hại. 4 công trình trạm bơm và 387 m kênh mương bị đứt gẫy. 2 công trình nước sạch bị vùi lấp. 21 điểm trên Quốc lộ 279 bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông cục bộ. Hệ thống điện lưới, viễn thông bị đứt… dẫn đến nhiều địa phương bị cô lập cả về giao thông, thông tin. Thông tin của UBND huyện Sơn Dương, hiện tại sự cố vỡ đê vẫn chưa thể khắc phục do nước lũ trên sông Lô vẫn rất lớn.

Ông Bùi Chí Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, sau rất nhiều năm đây là trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương trong tỉnh. Theo ông Thanh, hiện vẫn còn các khu vực trong tỉnh bị cô lập, lực lượng chức năng đang tiếp cận để hỗ trợ người dân nhu yếu phẩm cần thiết, ổn định tâm lý, tinh thần của bà con.

Một số vấn đề cần quan tâm

Theo các chuyên gia Khí tượng và Thủy văn, ngay khi xuất hiện các yếu tố hình thành bão, đã được nhận định đây sẽ là siêu bão. Thực tế cho thấy cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi lớn nhất trong 30 năm trở lại đây, cường độ, vùng hoạt động rất mạnh, hoàn lưu của bão cũng chưa từng có trong lịch sử. Ngay khi cơn bão còn ở rất xa đất liền Việt Nam, ngày 5-9 (2 ngày trước khi bão đổ bộ vào đất liền nước ta), Chính phủ đã họp gấp với 28 tỉnh thành khu vực phía Bắc, Bắc Trung bộ nằm trong vùng chịu tác động của cơn bão để triển khai các biện pháp ứng phó. Tiếp đến ngày 8-9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến về đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 với các tỉnh chịu ảnh hưởng.

Người dân thị trấn Sơn Dương dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ.

Trên địa bàn tỉnh, toàn bộ các cuộc họp và nhiều hoạt động khác đều đã được lệnh dừng lại để tập trung ứng phó với lũ sau hoàn lưu bão. Bất kể ngày, đêm các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, sở, ngành, lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp xuống từng khu vực trọng yếu bị thiệt hại để chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả. Rất nhiều cán bộ các huyện, thành phố đã “nằm vùng” tại từng khu vực thực hiện chỉ đạo tại chỗ công tác ứng phó. Trước mùa mưa lũ tỉnh cũng đã ra phương án: chủ động nắm chắc thông tin diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân về các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bão lũ, khắc phục triệt để bệnh chủ quan. 

Sau những thiệt hại xảy ra, người dân Tuyên Quang cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương. Ngày 12-9, trực tiếp đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lên thăm và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Tuyên Quang. Trước đó, Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đến thăm chia sẻ với bà con vùng lũ và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại thiên tai tại tỉnh.

Nhờ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp; sự nỗ lực tự cứu của từng người dân; tinh thần tương thân, tương trợ trong cộng đồng nên đã cứu hộ kịp thời, đưa hàng chục ngàn người dân ở vùng có nguy cơ cao đến chỗ tạm trú an toàn; chia sẻ cho nhau chỗ ở, miếng ăn vốn rất hiếm hoi trong những ngày chạy lũ.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, các bản tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, sạt lở đất, liên tục được cập nhật để cung cấp cho các cơ quan truyền thông truyền tải thông tin kịp thời đến các địa phương, người dân. Anh Bùi Tất Đạt, dự báo viên Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh chia sẻ, thay vì 6 tiếng 1 lần bản tin dự báo được phát đi, trong thời điểm bão lũ anh em trong Đài đã cập nhật liên tục thông tin về thời tiết, lượng mưa, mực nước gửi Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để gửi đến người dân.

Người dân xã Xuân Vân (Yên Sơn) dọn dẹp sau lũ.

Chị Nguyễn Thị Hiển, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) xúc động nói, thật sự cảm ơn rất nhiều ngành Khí tượng và Thủy văn, đặc biệt là cảm ơn Fanpage của Báo Tuyên Quang, trong 2 ngày cao điểm của lũ, cứ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ chị lại nhận được thông tin về tình hình mực nước, mưa lũ trên Fanpage của Báo. Nắm được thông tin thường xuyên, liên tục nên chị đã chủ động di chuyển cha mẹ già đi sơ tán, tài sản cũng được kê cao nên không bị thiệt hại nhiều.

Nhưng khi cắt điện diện rộng, mạng viễn thông cũng rất yếu. Chị Hiển và nhiều người dân trong tỉnh mong muốn chính quyền cần có hình thức thông tin bằng loa truyền thanh như những năm trước đây để bà con nắm được tình hình, không bị hoang mang lo lắng.

Các chuyên gia Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, sau những ngày cả hệ thống chính trị, người dân gồng mình chống lũ chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Thực tế cho thấy năng lực ứng phó với bão lũ của người dân còn thấp, dù sinh sống ở khu vực có nguy cơ thường xảy ra thiên tai nhưng người dân đều lúng túng.

Rất nhiều các bản tin dự báo, cảnh báo từ trước, nhưng nhiều hộ dân nấn ná không chủ động di dời, nước ngập đến sàn nhà vẫn chủ quan cho rằng nước không lên tiếp. Vẫn còn tình trạng người dân thấy nước lũ dâng cao vẫn đi qua các đập, ngầm tràn, sử dụng thuyền mảng thô sơ để đánh bắt cá ảnh hưởng đến tính mạng. 3/5 trường hợp tử vong trong trận lũ vừa qua đều đến từ những nguyên nhân trên. 

Mặt khác dù sống trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số mạnh mẽ; nhưng tình trạng mất điện, mất sóng viễn thông cả những khu vực chưa bị ngập úng cũng khiến người dân thiếu thông tin, sự phối hợp ứng cứu rất khó khăn. 

Hiện tại nước đang rút rất nhanh, các địa phương đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn lũ lịch sử, bằng việc nhanh chóng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tái thiết các hoạt động, xây dựng lại các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, hỗ trợ Nhân dân sản xuất, sinh hoạt. Cùng với đó các địa phương, đơn vị cần thấy được những tồn tại, hạn chế rút ra bài học kinh nghiệm và có kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng tình huống, cấp độ thiên tai đảm bảo công tác phòng chống thiên tai hiệu quả nhất, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục