Đức - Iraq hợp tác trong lĩnh vực năng lượng: Đa dạng hóa nguồn cung

Thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế song phương giữa Đức và Iraq là dấu ấn trong chuyến thăm Berlin lần đầu tiên của ông Mohammed Shia al-Sudani trong vai trò Thủ tướng Iraq. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng là vấn đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Mohammed Shia al-Sudani, trong bối cảnh hai bên đều muốn đa dạng hóa nguồn cung.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani (trái) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin (Đức) ngày 13-1.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani (trái) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin (Đức) ngày 13-1.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani hôm 13-1 vừa qua tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: “Chúng tôi đã thảo luận về khả năng Iraq cung cấp khí đốt cho Đức và đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau”. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu từng nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, sau khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra, Đức đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng để tránh phụ thuộc nhiều vào một nhà cung cấp. Thế nên, Berlin ủng hộ ý tưởng về việc Iraq trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ của Đức.

Về phần mình, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani cho rằng, Iraq đã tạo cơ hội cho các công ty Đức đầu tư vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Iraq. Iraq muốn vận chuyển khí đốt bằng một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Iraq cũng thảo luận với người đồng cấp Đức Olaf Scholz về các dự án nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên tại Iraq. Theo đó, Iraq đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty năng lượng khổng lồ Siemens của Đức nhằm mở đường cho việc phục hồi và bảo trì lưới điện của Baghdad.

Mất điện trên diện rộng là một phần của cuộc sống hằng ngày ở Iraq và ảnh hưởng lớn đến người dân. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tình trạng mất điện thường xuyên kéo dài từ 4 đến 10 giờ đồng hồ mỗi ngày khiến 42 triệu dân Iraq gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nước này không khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có. Iraq được ưu đãi với một lượng lớn khí đốt tự nhiên nhưng lại thiếu khả năng nắm bắt và tận dụng nguồn dự trữ khổng lồ này thành điện năng. Theo Ngân hàng Thế giới, Iraq là một trong 7 quốc gia chiếm “khoảng hai phần ba (65%) lượng khí đốt toàn cầu”.

Riêng năm 2017, Iraq đã khai thác hơn 600 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, đứng thứ hai sau Nga. Bên cạnh đó, một phần vấn đề về điện của Baghdad bắt nguồn từ việc nước này bỏ bê các nguồn năng lượng tái tạo. Với ánh nắng mặt trời gay gắt ở Iraq - đặc biệt là ở phía Tây và Nam của đất nước, hơn một nửa diện tích Iraq có thể dựa vào năng lượng mặt trời nếu Iraq thực hiện đầy đủ khả năng khai thác nguồn năng lượng tự nhiên này. Nhu cầu điện ngày càng tăng có thể được đáp ứng bằng năng lượng mặt trời tự cung cấp và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, Iraq thiếu một chính sách nhất quán, một hệ thống pháp luật mạnh mẽ và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Điện là một trong những hàng hóa công cộng tác động đến các phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người và là một trong nhiều lý do đằng sau sự bất mãn lan rộng đối với chính quyền trung ương ở Baghdad. Mặc dù chính phủ hiện tại đang cố gắng cải thiện tình hình bằng cách đưa ra các kế hoạch mới và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng nhưng các biện pháp này sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn, trong khi vấn đề đang ngày càng trầm trọng hơn.

Baghdad đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp điện của mình thông qua những cuộc đàm phán với các nước như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Kuwait, song tiến trình đàm phán ở các quốc gia này bị cản trở do những bất đồng về giá cả. Kế hoạch mua khí đốt tự nhiên từ Qatar của Chính phủ cũng sẽ không sớm thành hiện thực. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đã kích hoạt và mở rộng các hiệp định về năng lượng cho cả Đức và Iraq.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục