Hàn Quốc - Triều Tiên cùng thử tên lửa: Gia tăng căng thẳng

Việc cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng tiến hành các vụ thử tên lửa cách nhau chỉ vài giờ đã làm gia tăng căng thẳng theo cấp số nhân tại khu vực Đông Bắc Á. Trong khi đó, các nỗ lực đàm phán, đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có thêm bước đột phá trong thời gian dài do không bên nào chấp nhận đưa ra sự nhượng bộ trước.

Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên phát trên ti vi tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã lần lượt phóng hai tên lửa đạn đạo ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên vào ngày 15-9. Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1-2021 và diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một tên lửa hành trình. Chưa đầy 3 giờ sau, Hàn Quốc cũng đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm 3.700 tấn ROKS Dosan Ahn Changho.

Theo BBC, các chuyên gia cho rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy nước này đang gây áp lực lên Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ năm 2019, khi Washington từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân. Nhà phân tích Moon Seong Mook của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia có trụ sở tại Seoul cho rằng, Triều Tiên dường như đang cố gắng truyền đi thông điệp mọi thứ sẽ không diễn ra như ý muốn của Mỹ nếu họ không chấp nhận các yêu cầu của Triều Tiên.

Còn CNN nhận định, quá trình phát triển vũ khí của Hàn Quốc, bao gồm cả năng lực tên lửa đang được đẩy nhanh khi nước này cố gắng trở nên ít phụ thuộc hơn vào Mỹ và cảnh giác hơn với chương trình tên lửa của Triều Tiên. Hồi tháng 5-2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nhất trí chấm dứt thỏa thuận song phương kéo dài 40 năm, trong đó hạn chế tầm bắn và tải trọng của tên lửa Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, nâng cao năng lực tên lửa là điều cần thiết để ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh, vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã được lên kế hoạch từ trước và không nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Theo các nhà quan sát, chính quyền của ông Moon Jae-in, vốn tích cực theo đuổi hòa giải với Triều Tiên, có thể đã tỏ ra cứng rắn hơn để đáp lại những lời chỉ trích rằng họ quá mềm mỏng với Bình Nhưỡng.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn cấp về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào chiều 15-9 theo đề nghị của Pháp và Estonia. Theo Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas de Riviere, Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình hình này, đồng thời hối thúc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và nối lại các cuộc thảo luận. Người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng tên lửa, nhắc lại rằng “ngoại giao vẫn là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được trên bán đảo Triều Tiên”.

Theo Hãng tin AP, Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn từ chối các đề nghị đối thoại của chính quyền Tổng thống J.Biden và yêu cầu Washington phải từ bỏ chính sách mà họ gọi là “thù địch” trước. Song Triều Tiên cũng đã tự giới hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, một dấu hiệu cho thấy nước này có thể vẫn để ngỏ khả năng quay lại bàn đàm phán. Trong khi đó, các đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng đã nhóm họp tại Tokyo, Nhật Bản trong tuần này với hy vọng tiếp tục lộ trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và mang lại ổn định cho khu vực.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục