Kết quả bầu cử địa phương tại Anh: Đảng cầm quyền gặp nhiều sóng gió

Đúng với đa số dự đoán đưa ra trước đó, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào ngày 5-5 vừa qua. Kết quả này cho thấy, uy tín của Thủ tướng Anh Boris Johnson và nội các đang đứng trước nhiều sóng gió sau một loạt bê bối gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Đảng Dân chủ tự do do ông Ed Davey đứng đầu giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử địa phương tại Anh.

Kết quả bầu cử được công bố ngày 8-5 cho thấy, đảng Bảo thủ đã mất quyền kiểm soát ở 12 hội đồng địa phương, tương đương với 487 ghế. Trong khi đó, đảng Dân chủ tự do (Lib Dem) do cựu Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Ed Davey đứng đầu giành thắng lợi lớn khi thu được thêm 222 ghế trên toàn nước Anh, gồm: 191 ghế ở vùng England, 20 ghế ở Scotland, 11 ghế tại xứ Wales. Công đảng cũng đạt được kết quả tốt nhất trong 10 năm qua khi giành thêm được khoảng 100 ghế tại các hội đồng địa phương.

Uy tín của Thủ tướng Boris Johnson bắt đầu xuống dốc kể từ khi có thông tin ông tham gia vào một bữa tiệc đông người trong thời gian Anh áp lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 hồi tháng 6-2020. Điều này khiến người dân phẫn nộ, còn các đảng đối lập yêu cầu ông từ chức. Để xoa dịu dư luận, 4 trợ lý cấp cao của Thủ tướng Boris Johnson phải lần lượt “ra đi”. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại. Ngày 22-4, Hạ viện Anh đã thông qua kế hoạch mở cuộc điều tra để làm rõ bê bối tiệc tùng được gọi tên là Partygate này. Cuộc điều tra do Ủy ban đặc quyền của Hạ viện thực hiện, sẽ xem xét mức độ trung thực trong tuyên bố của ông Boris Johnson trước Hạ viện vào tháng 12 năm ngoái rằng “mọi hướng dẫn và quy định phòng dịch được tuân thủ tại mọi thời điểm”.

Trong bối cảnh lòng tin trên đà xuống dốc, Thủ tướng Boris Johnson tiếp tục phải gánh thêm áp lực dư luận do tình trạng giá cả tăng mạnh gây ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống của người dân. Theo dự báo, số tiền điện và khí đốt mà một hộ gia đình ở Anh phải trả có thể tăng từ mức 909USD/năm lên 2.585USD/năm, kéo theo chi phí sinh hoạt leo thang chóng mặt. Ngoài chi phí năng lượng, Anh cũng nâng mức thuế giá trị gia tăng lên 20%, trong khi một số khoản thuế và tiền bảo hiểm quốc gia cũng sẽ tăng từ cuối tháng 4, tạo thêm áp lực cho các gia đình đang gặp khó khăn.

Theo các nhà phân tích, ngoài việc xử lý tốt bê bối Partygate và đưa ra những chính sách nhằm kiểm soát đà lạm phát tăng cao, trong thời gian tới, Thủ tướng Boris Johnson còn phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là chiến thắng của đảng Sinn Fein trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại Bắc Ireland. Là một đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, nhiều năm qua Sinn Fein luôn theo đuổi mục tiêu sáp nhập Bắc Ireland thuộc Anh hiện nay với Cộng hòa Ireland. Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều bất đồng nội bộ đã nảy sinh giữa chính quyền London và Bắc Ireland. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người Bắc Ireland gia tăng tâm lý muốn tách khỏi nước Anh.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua có thể giúp đảng Sinn Fein tổ chức trưng cầu dân ý theo đúng 1 điều khoản trong Hiệp định Ngày thứ sáu tốt lành hay còn gọi là Hiệp định Belfast, với nội dung: “Nếu phần lớn người dân Bắc Ireland muốn rời khỏi Vương quốc Anh thì chính phủ của họ phải thực hiện điều này như nghĩa vụ ràng buộc”. Như vậy, sứ mệnh của Thủ tướng Boris Johnson là phải nhanh chóng giải quyết những bất đồng với Bắc Ireland, chứng minh những lợi ích mà người dân khu vực này có được khi ở lại với một nước Anh thống nhất.

Nếu không cải thiện được tình trạng uy tín giảm sút, Thủ tướng Boris Johnson có thể phải đứng trước một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do chính các nghị sĩ Bảo thủ phát động với mục đích tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới có thể dẫn dắt đảng này trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục