Nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19: Thành tựu lớn của Cuba

Trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của vi rút SARS-CoV-2, ngày 20-8, Trung tâm Quản lý thuốc, máy móc và thiết bị y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin nội địa phòng Covid-19 mang tên Soberana 2 và Soberana Plus. Với 3 loại vắc xin được cấp phép chỉ trong thời gian ngắn (vắc xin Abdala ra mắt hồi tháng 7 vừa qua), Cuba là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh phát triển vắc xin phòng Covid-19 của riêng mình. Đây được xem là thành tựu lớn, giúp quốc đảo Caribe sớm phục hồi nền kinh tế bị khủng hoảng trong thời gian dài.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô La Habana, Cuba.

Theo Hãng tin Reuters, Giám đốc CECMED Olga Lidia Jacobo cho biết quyết định cấp phép được đưa ra “sau một quy trình đánh giá nghiêm ngặt đối với vắc xin Soberana 2 và Soberana Plus". Đây là hai loại vắc xin được sử dụng kết hợp có hiệu quả tới 91,2% trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm. Mỗi người sẽ được tiêm đầy đủ gồm hai liều vắc xin Soberana 2, tiếp theo là liều thứ ba bằng vắc xin Soberana Plus (vắc xin Abdala cũng phải tiêm 3 liều). Những loại vắc xin này đã kết hợp kháng nguyên yếu với kháng nguyên mạnh để tăng cường phản ứng miễn dịch; giá thành rẻ, có thể bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng.

Thực tế, với bề dày lịch sử phát triển vắc xin, thay vì đàm phán với những tập đoàn dược phẩm nước ngoài hay tham gia Cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu (COVAX) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, Cuba đã thúc đẩy sản xuất vắc xin phòng Covid-19 nội địa. Bắt tay nghiên cứu từ năm 2020, Cuba đã cho ra 5 "ứng cử viên" vắc xin chống lại đại dịch này. Trong đó, ngoài 3 loại vắc xin đã được cấp phép kể trên, còn có 2 loại vắc xin đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng là Soberana 1 và Mambisa (sử dụng qua đường mũi). 

Sau khi được ghi nhận là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất thế giới vào năm ngoái, Cuba hiện là một trong những nước có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tây bán cầu. Trước sự tấn công của biến chủng Delta, việc thiếu nguồn cung y tế đang khiến hệ thống y tế đảo quốc Caribe rơi vào khủng hoảng. Chính vì lẽ đó, Cuba đã đưa cả vắc xin Soberana 2 và Abdala vào chiến dịch tiêm chủng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tháng 5 như một phần của quá trình thử nghiệm lâm sàng. Giám đốc Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Bộ Y tế Cuba Ileana Morales khẳng định, việc tiến hành tiêm chủng đã ngăn chặn sự gia tăng lớn hơn về số người mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Theo thống kê của trang Worldometer, Cuba có hơn 600 nghìn ca mắc Covid-19 nhưng chỉ gần 5.000 ca tử vong. Tính đến nay, đất nước 11,2 triệu dân đã tiêm gần 13 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Tốc độ tiêm chủng đang được đẩy nhanh, với khoảng 1% dân số được tiêm chủng hằng ngày. Bộ Y tế Cuba cho biết sẽ có khoảng 70% người trưởng thành được tiêm chủng vào cuối tháng này.

Trong khi đó, hãng tin BBC cho biết: “Chính phủ Cuba sẽ sản xuất 100 triệu liều vắc xin Soberana 2 trong năm nay để đáp ứng nhu cầu của chính họ và của các quốc gia khác. Một số quốc gia đã quan tâm đến việc mua nó, chẳng hạn như Việt Nam, Iran, Venezuela, Mexico, Argentina và những quốc gia mà hòn đảo này có thỏa thuận hợp tác”.

Việc Cuba sản xuất vắc xin trong nước thành công đánh dấu một thành tựu lớn cho quốc đảo Caribe và là tia hy vọng cho các nước đang phát triển muốn tiếp cận bình đẳng nguồn vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là các nước nghèo ở Mỹ Latinh - khu vực hiện chiếm hơn một phần ba số ca nhiễm Covid-19 mới và hơn 40% số ca tử vong trên toàn thế giới. Đối với Cuba, việc phát triển và xuất khẩu vắc xin không những vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng mà cũng là cách để quốc đảo Caribe khẳng định vị thế cường quốc công nghệ sinh học.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục