Ngày tôi lấy chồng, trời mưa tầm tã. Lúc tiễn tôi về nhà chồng cha không dặn điều gì mà cứ khóc nức nở. Nước mắt cha hòa vào những hạt mưa, tuôn rơi lã chã. Chưa bao giờ tôi thấy cha khóc. Tiếng khóc ấy khiến lòng tôi quặn đau. Người ta bảo, người đàn ông không dễ khóc bởi họ luôn mạnh mẽ, biết kìm nén tình cảm. Khi tiếng khóc bật thành tiếng, thì dòng cảm xúc ấy phải lớn lao lắm, phải chất chứa lắm! Nắm chặt tay cha tôi trấn an: Cha yên tâm, con không sao đâu, rồi vội vã bước lên xe hoa để lại bóng cha liêu xiêu, hao gầy trong cái lạnh tê tái của mùa đông.
Chiếc xe đón dâu chầm chậm lăn bánh như đang quay ngược thời gian. Thời mà cách đây đã hơn 20 năm, khi tôi vẫn còn là đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay cha mẹ. Tôi nhớ, mỗi lần tôi bị anh, chị bắt nạt, tôi đều chạy về mách cha, rồi òa vào lòng ông khóc nức nở. Bất kể lý do gì, dù tôi sai thì anh chị tôi cũng vẫn bị trách mắng. Cha giải thích rằng, em còn nhỏ, em đã biết gì đâu. Những lúc ấy, kiểu gì cha cũng nghĩ ra trò gì đó khiến tôi hết hờn. Khi thì ông gấp chiếc máy bay giấy. Khi thì ông nặn con trâu đất, hay đơn giản hơn ông nghĩ ra một cái tên ngộ nghĩnh để dỗ dành: Quả mít của cha, ngoan nào/Con hùm của cha là ngoan nhất…
Tuổi thơ tôi lớn lên trong sự chăm sóc, yêu chiều của cha như thế. Tôi nhớ ngày rằm Trung thu cha thường tự tay làm cho chúng tôi những chiếc đèn ông sao. Tôi cứ luẩn quẩn cùng cha chẻ nan, làm đèn và thích thú nhìn cha dán từng cánh sao. Cha còn cắt hình bông hoa, con gà, con vịt… bằng giấy xanh đỏ vô cùng đẹp mắt. Chiếc đèn ông sao của tôi bao giờ cũng đẹp nhất, rực rỡ nhất, nổi bật nhất trong đêm rằm tháng Tám khiến bao đứa trẻ trong xóm ghen tị.
Tôi nhớ cứ mồng 2 Tết Nguyên đán, cha lại chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch đến từng nhà chúc Tết. Anh chị tôi đòi đi cùng thì cha bảo, em còn bé chưa tự đi chơi được. Rồi cha vuốt tóc tôi, bế tôi ngồi lên chiếc xe rong ruổi hết nhà này đến nhà khác. Tôi cũng không hiểu, điều gì lúc ấy khiến tôi thích thú đi chơi Tết cùng cha đến vậy?
Tôi nhớ, ngày anh chị đi học, tôi không có ai chơi cùng nên khóc lóc đòi đi học. Cha xoa đầu tôi dỗ dành, rồi lấy vở, bút ra dạy tôi học. Cha cầm tay tôi, uốn từng nét chữ với những bài học vỡ lòng: O tròn như quả trứng gà/Ô thì đội mũ Ơ thì thêm râu… Cha bảo, nét chữ nết người. Nét chữ cũng như cuộc đời vậy. Lớn lên con sẽ hiểu điều này. Giờ con cứ chăm chỉ luyện tập, viết nắn nót, cẩn thận. Những bài học đầu đời cha dạy cứ nhẹ nhàng thấm vào tâm hồn tôi như thế.
Cha giờ tóc đã điểm sương. Lần nào về thăm cha, bọn trẻ con nhà tôi cũng quấn quýt không muốn rời. Vẫn là những hành động yêu chiều ngày xưa. Cha có thể cả buổi làm bệnh nhân cho các cháu khám bệnh, rồi sẵn sàng đưa tay ra cho bọn trẻ vẽ, thậm chí bọn chúng bôi cả mực lên mặt, cha vẫn cười.
Nụ cười ấy bao giờ cũng ấm áp đến lạ thường. Để rồi bây giờ, bất cứ đi đâu, làm gì tôi đều muốn nhanh chóng được trở về ngôi nhà xưa. Nơi có cha, mẹ vẫn ngày đêm mong ngóng, dõi theo tôi từng bước đi. Tôi còn muốn trở về để được là cô gái bé bỏng của cha ngày xưa, để thấm thía: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Gửi phản hồi
In bài viết