Vị Tết xứ Tuyên

- Khi mùa xuân lấp ló bên đầu núi, đậu trên cành đào, cành mận và phủ màu non xanh mơn mởn trên những cánh rừng già cũng là lúc trên mỗi nếp nhà của người dân xứ Tuyên thơm ngào ngạt hương vị của các món ẩm thực ngày Tết. Món ngon ngày Tết ở xứ Tuyên do chính bàn tay của người dân làm ra, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là cả gia đình sum vầy thưởng thức và còn làm quà biếu cho những người thân, bạn bè ở nơi xa.

Xôi ngũ sắc của người Tày 

Xôi ngũ sắc Lâm Bình được Hội đồng thẩm định Top Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam công nhận lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 - 2021). Đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ hội, tết, cưới hỏi ở vùng cao. Người Tày quan niệm xôi 5 màu là biểu tượng của ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi đĩa xôi ngũ sắc mời khách là cả tấm lòng mến khách chứa đựng trong tâm sức của chủ nhà, nó còn là những ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.

Lợn đen bản địa

Vào những ngày giáp Tết, các gia đình thường hay mổ lợn để ăn Tết. Đối với người Tày, người Dao… còn có thịt lợn đen,  được chăn thả tự nhiên, thịt lợn săn chắc, thơm và bì rất giòn. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món đa dạng như nướng muối ớt, xào lăn, muối chua… 

Bánh gai Chiêm Hóa

Bánh được tạo ra từ nguyên liệu sẵn có như: bột gạo nếp, lá gai, dừa, nhân đỗ, nhân mỡ và đặc biệt hơn cả không thể thiếu đó là lá chuối để gói. Những nguyên liệu này được chọn lựa kỹ càng, tạo nên chất lượng thơm ngon đặc trưng. Từ xa xưa với người dân Chiêm Hóa, cứ vào dịp Lễ vu lan các gia đình đều tự làm những chiếc bánh gai thơm ngon để dâng lên tổ tiên thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn của mình.

Thịt trâu gác bếp

Món đặc sản thịt trâu gác bếp lừng danh Tuyên Quang, trâu ở vùng Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Sau khi mổ trâu, người dân lấy phần thịt nạc, đem dầm thịt cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với nước tương, mù tạt, và thêm một chút rượu. Vị thịt trâu ngon quyến rũ...

Rượu ngô men lá

Để làm ra được rượu ngô ngon, phải trải qua nhiều giai đoạn công phu và tỷ mỷ. Muốn rượu thơm, phải lựa chọn loại men hảo hạng, loại men này được tổng hợp từ hơn 20 loại lá thuốc quý hiếm, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Sản phẩm rượu ngô men lá được sản xuất theo bí quyết gia truyền của người dân vùng cao như: Na Hang, Lâm Bình... Rượu có mùi và vị đặc trưng từ ngô và men lá thơm dịu, uống êm, không bị sốc, không đau đầu, rượu ngô được ủ trong chum càng để lâu càng có mùi thơm dịu nhẹ dễ uống.

Cơm lam

Cơm lam trở thành đặc sản hấp dẫn khách tham quan, du lịch. Bí quyết tạo nên nét đặc trưng của cơm lam nơi đây chính là việc chọn gạo. Gạo nếp phải là loại gạo trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là nếp nương, sau đó ngâm gạo với nước suối, vo sạch, rắc ít muối... Việc nướng cơm lam là một nghệ thuật, khi nướng cần phải xoay đều tay trên bếp than hồng để cơm chín đều tạo nên hương vị dẻo thơm, bùi, ngọt của từng ống cơm lam.

Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục