Trao truyền văn hóa

- Trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, thầy cúng có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi để có thể trở thành thầy cúng thì họ phải trải qua quá trình rèn luyện, tích lũy tri thức dân gian phong phú.

Ngày nay, thầy cúng xuất hiện hầu hết trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc. Từ ma chay, cưới xin đến cúng vào nhà mới, cúng giải hạn, cúng đầy tháng, cúng mát nhà, xem ngày lành, tháng tốt...

Sở dĩ tại sao cứ có công việc quan trọng thì gia chủ lại phải mời thầy cúng? Trước hết, nhờ đọc nhiều sách cổ mà họ có kiến thức sâu rộng về lịch sử văn hóa, các tri thức dân gian bản địa của chính dân tộc mình và các dân tộc khác nên họ là một trong những tầng lớp ưu tú trong xã hội. Ở một số tục người có chữ viết riêng, thầy cúng bảo lưu chữ viết rất tốt. Ví như người Dao, có tới 9 nhóm Dao, phương ngữ có sự khác biệt giữa mỗi nhóm. Trong khi đó, ngôn ngữ là điều không thể thiếu nếu muốn giữ văn hóa dân tộc.

Thầy cúng Tô Quang Chung, thôn Rèn 1, xã Hoà An (Chiêm Hoá) truyền nghề cho học trò.
 

Một người để làm được “nghề” thầy cúng thì phải có công đức cao, có căn duyên hoặc gia đình có truyền thống. Ngay từ bé những người muốn theo nghề đã phải theo ông hoặc bố, hoặc các thầy của mình để học các kiến thức trong sách cổ và phụ giúp tiến hành các nghi lễ thờ cúng. Người làm nghề thầy cúng thường phải có một đến hai gánh sách cổ chép bằng tay. Trong các sách của thầy cúng có nhiều lĩnh vực được đề cập như sách cúng trong tang ma, hôn lễ, làm nhà, sinh đẻ, chữa bệnh, chiêm tinh học, thổ nhưỡng, âm dương, ngũ hành… Vì vậy, người nào muốn trở thành thầy cúng thì phải là người thông hiểu về địa lý, thiên văn, thuộc nhiều bài cúng, có chất giọng truyền cảm. Mỗi một lần đi cúng, gia đình người mời thầy đến cúng phải cử hai người đến nhà thầy; một người đón thầy và người còn lại thì chở hai thùng sách cùng các công cụ phục vụ cho lễ cúng như trống, phách, thanh la, chũm chọe, tranh thờ…

Bởi thế, có thể còn gọi thầy cúng là những nghệ sĩ dân gian, bởi những kiến thức nghi lễ diễn xướng hay cách biểu diễn của họ trong từng nghi lễ, họ như những nghệ sĩ tài hoa, đa năng. Họ không chỉ là người thuộc hàng trăm các bài văn cúng, mà họ còn biết nhảy múa, hát các bài ca nghi lễ của dân tộc mình. Chẳng hạn, người Mông có nét văn hóa là âm nhạc của khèn, khèn lại chính là tín hiệu giao lưu với thần linh. Khèn là vật dụng không thể thiếu trong các nghi thức cúng của người Mông. Còn với đồng bào Tày, thầy then cũng là thầy cúng. Họ diễn xướng bài cúng qua điệu hát then. Với đồng bào Dao thì đó là múa Tết nhảy, múa Sênh tiền... Tóm lại, mỗi làn điệu dân ca, dân vũ được trình diễn trong mỗi bài cúng có nội dung khá phong phú, thông qua đó thể hiện mong muốn, khát vọng con người về cuộc sống đầy đủ hơn.

Hiện nay, việc truyền nghề thầy cúng đã và đang được duy trì trong các bản làng đồng bào dân tộc. Nhờ vậy mà nét đẹp về văn hóa, tín ngưỡng được duy trì, phát triển, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục