Tết đắp nọi và những mong cầu

- Tết Đắp nọi có thể hiểu là cái Tết nhỏ để kết thúc tháng Giêng. Nghi lễ này người Tày ở tỉnh ta vẫn gìn giữ như một nét văn hóa, phong tục độc đáo. Ngày Lễ tổ chức để đánh dấu hết tháng giêng cùng với đó mang theo nhiều ước nguyện.

Theo lời của người già thì trước đây công việc nhà nông bận rộn, vất vả nên dịp Tết mới có thời gian để đi chơi, thăm hỏi người thân, họ hàng; do chưa có phương tiện đi lại thuận tiện nên hầu hết là đi bộ, mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, tháng Giêng thường được coi là tháng để đi chơi, đi từ nhà này đến nhà khác, bản này đến bản khác. Và đến ngày cuối cùng của tháng một âm lịch sẽ phải có mặt ở nhà để “Ăn Tết lại”, đánh dấu hết tháng đi chơi để cùng nhau tập trung vào làm việc đồng áng, ruộng vườn.

Người Tày xã Khuôn Hà (Lâm Bình) gói bánh chưng gù chuẩn bị Tết Đắp Nọi.
(Ảnh minh hoạ)

Tết Đắp nọi được hiểu theo tiếng phổ thông là “ăn Tết lại”. Tết được làm đơn giản hơn nhiều so với Tết Nguyên đán. Các bà, các mẹ cùng nhau gói bánh chưng gù, làm bánh giầy và tất bật chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên. Từ sáng sớm 30-1 âm lịch, chủ nhà sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Trên mâm cỗ thường có: Một con gà luộc, một miếng thịt lợn luộc, đây tượng trưng cho những con vật nuôi quen thuộc của nhà nông; ngoài ra không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy và xôi đồ. Có nơi còn có bánh ngải cứu. Bánh là sự hòa quyện của vị béo ngậy, bùi bùi của nếp chín và hạt vừng, vị ngọt đường phèn, vị đắng nhẹ của ngải cứu. Đây không chỉ là món bánh ngon, bổ dưỡng mà chứa đựng nhiều ý nghĩa. Bánh có đủ vị ngọt, đắng, bùi… biểu tượng cho những trải nghiệm trong cuộc đời con người. Người Tày hy vọng khi ăn loại bánh này con người sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn, gian nan trong cuộc sống.

Khi mâm cúng được bầy xong, chủ nhà sẽ thắp hương mời các cụ, đồng thời cảm tạ ông bà tổ tiên đã phù hộ cho đầu năm bình an. Đồng thời gửi gắm những ước nguyện mong cầu về một năm mới  mưa thuận gió hòa, gia đình, bản làng ấm no. Sau khi mâm cúng được hạ xuống mọi người bên nhau quây quần nói chuyện vui, dự định sắp tới và chúc nhau thành công, suôn sẻ.

Vì thế đây cũng là dịp để anh em, hàng xóm láng giềng gặp gỡ, nhắc nhở nhau thi đua lao động sản xuất trong năm mới. Từ đó, tạo động lực để các thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục