Về Gò Củi nghe hát Sình ca

- 10 năm qua, bằng tình yêu với văn hoá dân tộc, các hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn Gò Củi, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) đã thành lập đội văn nghệ cùng luyện tập, hướng dẫn nhau hát Sình ca. Người biết hát dạy cho người chưa biết, cứ thế dần dần các thành viên đã có thể hát, biểu diễn ngày càng hay hơn.

Các thành viên đội văn nghệ thôn Gò Củi trao đổi, chia sẻ lời bài hát mới sáng tác.

Thôn Gò Củi, xã Nhữ Hán có 150 hộ, trong đó 50% số hộ là đồng bào dân tộc Cao Lan. Từ năm 2014, một số hội viên Chi hội Người cao tuổi của thôn đã thành lập đội văn nghệ hát Sình ca Cao Lan. Tham gia đội văn nghệ, các bà, các ông đều mong muốn giữ gìn điệu hát Sình ca, giữ gìn những điệu múa truyền thống. Bên cạnh đó còn duy trì tiếng nói, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để không bị mai một theo thời gian. Đặc biệt là giúp thế hệ trẻ trong và ngoài thôn hiểu được nét đẹp văn hoá dân tộc để cùng nhau giữ gìn và phát huy.

Một buổi tập luyện của Đội văn nghệ thôn Gò Củi, xã Nhữ Hán (Yên Sơn).

Bà Trần Thị Sửu, 72 tuổi, thành viên đội văn nghệ chia sẻ, ngày xưa bố mẹ bà đều biết hát Sình ca, nên bà được học từ nhỏ. Đây là lối hát đối đáp giữa một bên nam và bên nữ. Trước đây, mỗi dịp lễ, Tết hay trong đám cưới, những chàng trai, cô gái có thể hát thâu đêm đến sáng. Qua lời hát, nhiều đôi trai gái nên duyên thành vợ chồng. Ngày nay, các bạn trẻ ít hát Sình ca, bà và mọi người lo lắng nét đẹp văn hoá này sẽ không còn được quan tâm, phổ biến. Vì vậy đã cùng tập hợp lại để duy trì và giữ gìn điệu hát Sình ca của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Căn cho biết, bà là người dân tộc Kinh được làm con nuôi của đồng bào Cao Lan. Tuy không biết hát Sình ca, nhưng bà rất yêu văn nghệ và tích cực tham gia cùng mọi người. Bà luôn bảo ban, nhắc nhở con cháu, hãy luôn giữ gìn tiếng nói, trang phục, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Đội văn nghệ thôn Gò Củi, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) tập múa.

Ngoài tập luyện hát Sình ca và các điệu múa truyền thống của dân tộc như: Múa xúc tép, chim gâu, giã cốm… một số thành viên của đội văn nghệ còn sáng tác lời mới bằng tiếng Cao Lan rồi dịch ra tiếng phổ thông để phổ biến đến mọi người. Các bài hát với chủ đề ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới. Tiêu biểu như bài: Tuyên Quang đổi mới, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Gợi nhớ quê hương…

Đến nay, đội văn nghệ đã có hơn 10 thành viên. Ngoài các thành viên trong thôn Gò Củi, còn thu hút những người yêu thích Sình ca của các thôn khác như: Đồng Rôm, Trại Xoan tham gia. Ông La Văn Lực, thôn Trại Xoan cho biết, ông thường xuyên tham gia tập luyện cùng các thành viên trong đội văn nghệ thôn Gò Củi. Đặc biệt, ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm đều có Lễ hội Đình làng Đồng Rôm, đội văn nghệ lại tham gia hát Sình ca phục vụ nhân dân và du khách. Hoạt động không chỉ để duy trì phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Các thành viên Đội văn nghệ thôn Gò Củi, xã Nhữ hán (Yên Sơn) tập hát Sình ca.

Thông qua các hoạt động của đội văn nghệ còn góp phần truyền “lửa”, niềm tự hào với văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ. Chị Thiều Thị My, thôn Gò Củi nói, ngày còn học phổ thông, chị đã được xem các bà tập hát, múa. Chị cũng được hướng dẫn tập múa và tham gia biểu diễn ở trường. Đặc biệt, trong các dịp quan trọng, chị thường mặc bộ trang phục truyền thống và cảm thấy rất tự hào khi là người con của dân tộc Cao Lan.

Trong ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới, chúng tôi được tham gia một buổi tập luyện của các thành viên đội văn nghệ thôn Gò Củi. Ai cũng say sưa hát, lời hát đối đáp cứ dài mãi… thể hiện niềm tự hào và tình yêu với điệu hát Sình ca. Đó cũng là hoạt động thiết thực nhất mà mỗi thành viên của đội văn nghệ đang góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục