Cầm tay chỉ việc trong bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp cơ sở

- Những năm qua, công tác và hoạt động Đoàn, Hội, Đội của huyện Chiêm Hóa là lá cờ đầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã khẳng định “cán bộ nào, phong trào ấy”. Từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Chiêm Hóa đã chăm lo, đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mỗi năm, Thường trực Huyện đoàn đã tổ chức cho nhiều lượt cán bộ Đoàn là bí thư, phó bí thư đoàn xã được bồi dưỡng trực tiếp tại cơ quan Huyện đoàn.

Cầm tay chỉ việc

Thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh đoàn, những ngày này, Thường trực Huyện đoàn Chiêm Hóa đang chuẩn bị tổ chức Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu trật tự An toàn giao thông vào cuối tháng 9-2021. 5 học viên là cán bộ Đoàn các xã đang được bồi dưỡng nghiệp vụ tại cơ quan Huyện đoàn được khảo sát tại địa điểm tổ chức; nhận định được những thuận lợi, khó khăn trong khâu tổ chức; cách liên hệ, sưu tầm ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm; chuẩn bị ma két, tăng âm, loa máy, ánh sáng, máy chiếu, nước uống; chuẩn bị chương trình văn nghệ từ 15-20 phút, lựa chọn chuẩn bị MC dẫn chương trình... Anh Triệu Văn Tư, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa An hào hứng: “Chúng tôi đã học hỏi, trau dồi được nhiều kỹ năng qua công tác chuẩn bị cho hội thi một cách chuyên nghiệp. Bản thân tôi tự đúc rút được tình hình thực tiễn, kinh nghiệm và phương pháp triển khai, tổ chức thực hiện để nếu được tổ chức tại địa phương sẽ bài bản, chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu thực tế tại cơ sở. Đây là lần thứ 2 tôi được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi theo hình thức “cầm tay chỉ việc” này; thực sự hiệu quả, thiết thực vì học đi đôi với hành”.

Lãnh đạo Huyện đoàn Chiêm Hóa trực tiếp hướng dẫn cán bộ Đoàn các xã về kỹ năng tiếp nhận, xử lý văn bản của cấp trên.

Đây chỉ là 1 trong nhiều nội dung, kỹ năng mà Thường trực Huyện đoàn trực tiếp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Chỉ trong 20 ngày, học viên được bồi dưỡng nhiều kỹ năng: văn phòng, soạn thảo, sắp xếp và quản lý văn bản; tổ chức hoạt động, sự kiện. Bên cạnh đó, học viên được điều hành hội nghị, điều hành hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn, thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật của Đoàn, Hội, Đội. Học viên còn được nâng cao kỹ năng triển khai các nghị quyết, chủ trương công tác của cấp trên; trau dồi phương pháp, tác phong, kỹ năng làm việc, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng tiếp xúc và đối thoại với thanh niên. Tại lớp bồi dưỡng, học viên trực tiếp sinh hoạt chi đoàn ít nhất 2 buổi khác nhau tại các cơ sở Đoàn khác nhau.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Đoàn

Đồng chí Ma Doãn Tài, Phó Bí thư Huyện đoàn nhấn mạnh, để chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ duy trì và nâng cao chất lượng hiệu quả qua từng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã gắn kết chặt chẽ với cấp ủy cơ sở. Qua đó, cấp ủy địa phương chú trọng và quan tâm lãnh đạo đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, lãnh đạo hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Hiện nay, 100% Đoàn cấp xã đảm bảo đủ số lượng với 24 bí thư, 22 phó bí thư, 100% đảm bảo về tiêu chuẩn, trình độ.

Anh Lý Văn Vũ, 25 tuổi, Phó Bí thư Đoàn xã Nhân Lý tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Năm 2020, anh Vũ về địa phương, được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm 2020. Anh quyết định đầu tư thời gian 4 tháng học việc tại Huyện đoàn để hoàn thiện hơn kỹ năng yếu, thiếu. Thời gian qua, anh Vũ được đánh giá là 1 trong những cán bộ đoàn mới, trẻ tuổi song năng nổ, tích cực, tham mưu hiệu quả với cấp ủy, bí thư Đoàn xã các nội dung hoạt động đoàn gắn với xây dựng nông thôn mới sát với thực tiễn của địa phương.    

Chương trình bồi dưỡng được xây dựng chi tiết theo từng năm, lịch cụ thể theo từng tháng, từng đối tượng học viên. Căn cứ vào kế hoạch và lịch thực hiện, Đoàn các xã phải chủ động báo cáo cấp ủy về thời gian bồi dưỡng để cấp ủy cơ sở tạo điều kiện. Theo định kỳ 1 tuần/1 lần, học viên có trách nhiệm báo cáo kết quả quá trình được bồi dưỡng đối với Thường trực Huyện đoàn và cấp ủy cùng cấp. Theo đồng chí Hà Quang Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh, thông qua báo cáo kết quả quá trình được bồi dưỡng, Thường trực Đảng ủy xã sẽ nắm chắc điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động chuyên môn; tinh thần, ý thức, của bí thư, phó bí thư Đoàn xã để từ đó có định hướng bồi dưỡng, giáo dục, khắc phục hạn chế.

Hiện nay, Huyện đoàn Chiêm Hóa là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ  công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Mô hình này được coi là đột phá để tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu hút, tập hợp của tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện đạt và giữ vững 75%.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục