Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

- Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay đã giúp hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên có thêm nguồn vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho vay, các tổ chức hội, đoàn thanh niên đã tiếp nhận và triển khai cho đoàn viên, thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay thông qua tổ chức đoàn quản lý là 579,24 tỷ đồng với 14.922 hộ vay, của 478 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (bên trái), thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang) phát triển kinh tế chăn nuôi dê
từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh đoàn cho biết, để vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo cán bộ đoàn các cấp quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và giám sát mục đích sử dụng nguồn vốn vay. Việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều đoàn viên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cán bộ đoàn cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức đoàn với thanh niên, nhất là trên địa bàn nông thôn. Nhờ đó, hầu hết những trường hợp được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương như phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ…

Nhận thấy tiềm năng tại địa phương thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu vỗ béo và dê nhốt chuồng đem lại thu nhập 200 triệu đồng/năm, trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ở địa phương. Anh Hiếu cho biết, năm 2019 thông qua Đoàn xã, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang để đầu tư mô hình. Gia đình anh vừa xuất chuồng 12 con trâu vỗ béo và đang nuôi nhốt 30 con dê. Để có thêm nguồn thu nhập, anh còn đầu tư mua máy xúc để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Từ mô hình phát triển kinh tế mỗi năm cho gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/tháng.

Anh Phùng Bá Hoán, tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cũng là một trong những điển hình vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức đoàn. Anh Hoán cho biết, năm 2019, gia đình anh đã được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn. Từ nguồn vốn được vay, gia đình anh đã cải tạo hơn 2 ha đất vườn để trồng táo và nhãn, nuôi 300 con gà. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Có thể khẳng định, hoạt động nhận ủy thác vay vốn của tổ chức đoàn đang được phát huy hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vững vàng trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục