Nghề lặng thầm mà vinh quang

- Người ta vẫn thường nói, những người làm nghề điều dưỡng là người có đôi tay mềm nhất, đôi tai thính nhất và một trái tim đầy bao dung nhân hậu. Chiếm 50% nhân lực trong các cơ sở y tế, những cán bộ điều dưỡng với công việc thầm lặng hàng ngày đã trở thành cánh tay đắc lực của hệ thống y tế với mục tiêu hướng đến là sự phục hồi sức khỏe của mỗi bệnh nhân.

Cán bộ điều dưỡng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.000 nhân viên điều dưỡng. Trong đó, có nhiều người đang làm việc trong môi trường nhiều áp lực như hồi sức tích cực và chống độc, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, thần kinh - tâm thần, nhi… Hàng năm, Sở Y tế, Hội Điều dưỡng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất cho cán bộ, hội viên. Cùng với đó, các đơn vị, cơ sở y tế cũng thực hiện đổi mới trong phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Với việc xây dựng đội ngũ điều dưỡng tận tâm, trách nhiệm, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày một nâng cao.  

Đầu tháng 10 vừa qua, bà Lê Thị Thành, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đưa cháu gái 2 tuổi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng cấp cứu vì sốt cao. Lo lắng, bối rối trước tình trạng sức khỏe của cháu gái, bà không cầm được nước mắt. Thế nhưng, sự tận tình, chu đáo của những điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp bà bình tâm trở lại. Bà nói, 1 tuần ở trong bệnh viện, bà đã cảm nhận được sự nhiệt thành của các điều dưỡng nơi đây. Bà hiểu rằng, công việc ở Khoa Nhi thật sự không dễ dàng khi những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu và chấp nhận hợp tác với y bác sỹ. Tiếng khóc, giãy đạp của các em bé khi đến giờ tiêm, truyền, uống thuốc dường như đã quá quen thuộc. Dù tiết trời thu đã se lạnh, thế nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán của cán bộ điều dưỡng hàng ngày cố gắng lấy ven, đặt kim luồn, tỉ mỉ chăm sóc sức khỏe cho từng bệnh nhi...

Lặng thầm và đầy vất vả, có lẽ sự thấu hiểu, cảm thông của gia đình và những bệnh nhân là động lực, niềm an ủi lớn nhất để mỗi điều dưỡng viên thêm yêu và gắn bó với nghề. Anh Nguyễn Hữu Cường, tổ 10, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết, vợ anh hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với công việc chính là thực hiện y lệnh của các bác sỹ và chăm sóc các bệnh nhân nặng, bệnh nhân hôn mê, anh hiểu được sự khó khăn, vất vả của vợ. Bên cạnh sự động viên, anh sẻ chia công việc gia đình với vợ, chăm lo cho con cái, tạo điều kiện tốt nhất để vợ hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện công tác chuyên môn, đội ngũ điều dưỡng trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, xông pha trên mặt trận chống dịch Covid-19 bất kể ngày đêm, mưa nắng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự tận tụy, trách nhiệm với công việc, họ là những chiến sỹ áo trắng xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”.             

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục