Chuyện học ở vùng cao

- Ở vùng cao, để đến lớp dạy chữ cho học trò, nhiều giáo viên phải băng rừng, lội suối, không quản hiểm nguy. Song bằng tình yêu nghề, các thầy, cô đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”, thắp sáng lên ánh lửa tri thức, vun đắp tương lai tươi sáng hơn cho học sinh vùng cao…

Gieo chữ trên non

Hơn 30 năm kể từ ngày được phân công về dạy học tại trường Tiểu học Sinh Long (Na Hang), đến nay thầy giáo Hoàng Văn Phình đã trải qua ở tất cả các điểm trường xa nhất xã. Chuyện băng rừng, vượt suối để bám lớp, bám trường đối với thầy Phình là rất đỗi bình thường mỗi ngày.

Thầy giáo Hoàng Văn Phình, trường Tiểu học Sinh Long (Na Hang) có hơn 30 năm dạy học ở vùng cao.

Thầy Phình bảo, những khi trời mưa to làm nước suối dâng cao, đường bị chia cắt, đi lại rất nguy hiểm nhưng mình không thể không đến lớp vì học trò đang ngóng đợi. Thầy sinh ra và lớn lên ở Na Hang nên thấu hiểu được hoàn cảnh của học sinh vùng cao, nhiều em rất khó khăn, thiếu thốn nếu không nhiệt tình, không thường xuyên vận động các em thì chuyện bỏ học là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều em ham học, dù đôi chân trần đến lớp hay nhịn đói đi học nhưng các em vẫn yêu lớp, yêu trường. Dạy học ở vùng cao dù điều kiện thiếu thốn nhưng tình nghĩa thầy trò thật ấm áp yêu thương, ngày 20-11 quà của học trò đôi khi chỉ là những đóa hoa dại bên đường hay những đọt rau rừng, rồi ngày Tết, phụ huynh mang tặng chiếc bánh, uống chén rượu ngô, đầy ắp yêu thương…

Thời gian như thoi đưa, thoáng đó mà đã hơn 20 năm kể từ ngày cô giáo Trần Thị Nhung lên Lâm Bình dạy học. Cô đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho những lớp học ở vùng cao như Thổ Bình, Lăng Can. Đối với cô không có sự vất vả nào có thể ngăn cản được tình yêu với học trò vùng cao. Ngày trước, vượt đèo Khau Lắc (cũ) luôn là nỗi ám ảnh đối với bất cứ ai. Nhưng cô Nhung đã vượt qua để gieo chữ cho bọn trẻ. Hiện nay, cô Nhung đã được chuyển về dạy học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lâm Bình. Ngôi trường mới được thành lập, là mái nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số toàn huyện. Cô Nhung bảo, nhiều em xa nhà nhớ người thân khóc rưng rức đòi về. Những lúc như vậy cô thường gần gũi, động viên các em, giúp học trò vượt qua những khó khăn ban đầu, giải tỏa được lo lắng, việc học mới tốt hơn.

Những ánh mắt ngây thơ và trong trẻo, sự ham học của học trò vùng cao đã tạo động lực để những thầy cô giáo vượt qua chặng đường khó khăn để vun đắp cho lớp lớp học sinh trưởng thành, tạo dựng nhân tài cho quê hương.

Ấm tình thầy trò

Không chỉ dạy chữ, những giáo viên dạy học ở vùng cao còn giáo dục kỹ năng sống, giáo dục học sinh tình yêu nguồn cội, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cô và trò trường Mầm non Vinh Quang, Chiêm Hóa.

Ở huyện vùng cao Lâm Bình, người dân và du khách rất thích thú khi được xem những tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học Khuôn Hà làm Chủ nhiệm. Cô Tuyết cho biết, cuộc sống hiện đại khiến những nét đẹp văn hóa dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số có phần bị mai một, nhất là trang phục, tiếng nói. Chính vì thế, việc thành lập Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính đã góp phần bảo tồn văn hóa, trang phục truyền thống, thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, duy trì các câu lạc bộ bổ ích để học sinh tham gia, giúp các em phát triển toàn diện hơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi làm việc tại Tuyên Quang (tháng 7-2022) đã từng nhấn mạnh, giáo dục Tuyên Quang có những nét riêng, đó chính là giáo dục học sinh giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, một điều hết sức đáng quý và cần được duy trì, nhân rộng...

Không giống như ở miền xuôi, việc huy động các nguồn lực cho giáo dục rất khó khăn vì đời sống của người dân còn nghèo. Gặp những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chính các thầy cô đã trích tiền lương để hỗ trợ, tiếp sức các em tới trường. Em Nguyễn Văn Hiếu, lớp 6A1, trường THCS Bạch Xa (Hàm Yên) có được chiếc xe đạp mới do nhà trường vận động từ các nhà hảo tâm trao tặng. Nhà Hiếu thuộc diện hộ nghèo nên em ước mơ có xe đạp đến trường từ lâu rồi mà vẫn chỉ là... ước mơ. Thật may mắn em được thầy cô vận động nhà hảo tâm tặng xe đạp, em rất biết ơn điều này vì từ nay chặng đường từ nhà đến trường như gần hơn rất nhiều. Tết này, em có xe đạp cùng bạn bè đi chơi xuân, thăm thầy cô giáo.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã ươm những mầm xanh cho đời, mang mùa xuân ấm áp đến với bao gia đình con trẻ.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục