Phòng ngừa dịch bệnh khi giao mùa

- Thời điểm này, nhiệt độ và độ ẩm trong ngày thay đổi liên tục tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus, côn trùng phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm. Sự thay đổi thất thường của thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của những người mắc bệnh mãn tính cũng như người già, trẻ nhỏ.

Học sinh trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh (Yên Sơn) thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm chuyển mùa là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân. Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượt bệnh nhân khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhiễm khuẩn, các bệnh dị ứng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến con chị bị ho, sổ mũi nhiều ngày nay. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, con chị được chẩn đoán viêm mũi họng, viêm amidan cấp và được bác sỹ chỉ định dùng thuốc điều trị tại nhà. Chị cho biết, thời tiết nồm ẩm kéo dài cả tuần vừa qua khiến nhiều người trong gia đình chị cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Chị cũng không may mắc cảm cúm với những biểu hiện như sốt cao, rét run, đau họng và đau nhức toàn thân.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, số người cao tuổi phải nhập viện do tụt huyết áp, huyết áp tăng đột ngột, tai biến cũng tăng cao. Bệnh nhân Trần Quang Hồ, tổ 15, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) trước đó nhập viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, ho nhiều, tiểu buốt. Thông qua khám và làm các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm đường tiết niệu trên nền đái tháo đường, tăng huyết áp. Sau thời gian hồi sức tích cực, đến nay bệnh nhân tỉnh táo, dùng được thuốc vận mạch, chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định.

Số người cao tuổi nhập viện và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc có chiều hướng gia tăng trong thời điểm giao mùa.

Bác sỹ CKI Quàng Văn Hùng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc cho biết, thời tiết thay đổi thất thường với độ ẩm không khí cao là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ nhập viện của người cao tuổi, người mắc bệnh nền như cao huyết áp, người có tiền sử đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các nguy cơ như đột qụy não, nhồi máu cơ tim cùng các biến cố về tim mạch khác. Theo bác sỹ Hùng, cách tốt nhất để phòng tránh được bệnh khi giao mùa đó là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, uống đủ nước. Đối với những người có bệnh nền cần kiểm soát tốt bệnh, hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng, vừa sức và tránh thay đổi môi trường nóng, lạnh đột ngột.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh khi giao mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền người dân giữ gìn môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân, tiêu diệt, ngăn chặn và loại bỏ nguy cơ dẫn đến mầm bệnh. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được tăng cường để phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường tiêu hóa. Trong đó chú trọng tuyên truyền “ăn chín, uống sôi”; lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, bảo quản thực phẩm đúng quy định... Thời tiết ấm dần cũng là lúc các loại dịch cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy dễ bùng phát. Phòng bệnh là yếu tố quan trọng then chốt để tránh dịch bệnh lây lan và phòng ngừa dịch chồng dịch.  

Nhằm tăng cường sức đề kháng, bên cạnh việc thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý. Người già, trẻ nhỏ, người có nguy cơ mắc bệnh cao cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục