Điểm tựa cho sự sáng tạo

- Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” (Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, trang 187).

Đặt ra yêu cầu phải chủ động, sáng tạo như vậy đối với đội ngũ cán bộ, trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, như  Đại hội XIII đã nhận định “còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn” (Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, trang 89). Có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Điều này khiến nhiều cán bộ có tâm lý e dè nể nang, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ, không dám quyết, dám làm, không dám đột phá, sáng tạo. Nếu không có cơ chế bảo vệ thì tinh thần dấn thân, dám đổi mới sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/9/202 đã có ý nghĩa tạo động lực lớn để đội ngũ cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các biện pháp tổ chức quản lý để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn vì mục tiêu phục vụ Nhân dân. Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”. Đồng thời Bộ Chính trị cũng khẳng định “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực tiễn đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Đây có thể coi như một điểm tựa vững chắc để những cán bộ tâm huyết trách nhiệm với công việc chung, thêm vững tin, thêm quyết liệt trong đổi mới sáng tạo.

Khách quan mà nói, đổi mới sáng tạo, đột phá vào những vấn đề đã lạc hậu, cản trở sự phát triển là một yêu cầu khó và cao đặt ra đối với mỗi cán bộ. trong quá trình này họ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Để đổi mới sáng tạo, rất cần người cán bộ phải có bản lĩnh, phải quyết đoán, mạnh dạn trong suy nghĩ và hành động, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Tuy nhiên cũng cần phải hiểu rõ, đổi mới, sáng tạo không phải là sự tự tung, tự tác của một cá nhân nào, mà rất cần phải có quy trình xem xét, đánh giá chặt chẽ của cấp ủy, của tổ chức đảng thông qua các cơ quan chuyên môn để chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót vi phạm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước rất cần những cán bộ tâm trong, trí sáng, dám đương đầu với khó khăn thử thách với những cách làm hay, mang tính đột phá đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục