Cao đẹp đạo nghĩa thầy trò

- Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù cho xã hội có nhiều biến động, “con tạo xoay vần” thì vai trò của những người thầy vẫn luôn được khẳng định, đạo nghĩa thầy trò vẫn được gìn giữ. Các thế hệ thầy cô giáo đã nối tiếp nhau mang tri thức vun đắp cho lớp lớp học trò, tạo dựng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Nuôi dưỡng ước mơ học trò

Giữa nhịp quay sôi động, nghề nhà giáo vẫn luôn giữ được sự thanh tao, nhã nhặn, mỗi người thầy như những người “đưa đò” thầm lặng chở bao lớp học trò sang sông. Cần mẫn hàng ngày, hàng giờ, đội ngũ các thầy cô giáo đang miệt mài gieo chữ, tạo dựng niềm tin về ngày mai tươi sáng cho biết bao thế hệ học trò. Các thầy, cô đã khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh vươn lên trong cuộc sống và học tập. Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, giáo viên Trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn) bị suy thận, nhiều năm liền vừa phải nhập viện chạy thận định kỳ, vừa lên lớp, nhưng chưa khi nào cô vơi đi tình yêu với nghề, mà luôn nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy. Đối với cô, được mang kiến thức, kinh nghiệm dìu dắt lớp lớp học sinh trưởng thành chính là động lực giúp cô vượt qua nghịch cảnh. Cô ân cần, quan tâm đến từng học sinh trong mỗi tiết giảng của mình, các em chưa hiểu cô hướng dẫn thêm ngoài giờ học. Nhờ đó nhiều học sinh đã nỗ lực học tập, nhiều học sinh được cô bồi dưỡng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn.

Dạy học cho trẻ tại Trường Mầm non Hợp Hòa (Sơn Dương).

Nắm bắt được tâm lý của học sinh dân tộc thường nhút nhát, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ dạy môn Ngữ Văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh ngoài mỗi giờ lên lớp, lại đến từng phòng ký túc xá, vừa chuyện trò, vừa động viên những học sinh xa nhà. Cô giống như “người mẹ thứ 2” trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm của từng em. Từ đó cô tư vấn, đưa ra những lời khuyên hữu ích cho học sinh, giúp các em vượt lên hoàn cảnh. Nhiều học sinh đã đáp lại “tình mẹ” bằng thành tích học tập khi đoạt được các giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Em Hoàng Thị Tấm, học sinh giỏi cấp tỉnh hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, rất may mắn khi chúng em được học tập và trưởng thành dưới mái trường nội trú, nơi có những thầy, cô giáo luôn hết lòng vì học sinh. Chính sự quan tâm, dìu dắt của các thầy cô đã thôi thúc trong em “ngọn lửa” say mê học tập. Em mơ ước sau này sẽ trở thành một giáo viên giống như “mẹ Huệ” của mình. Giữa bối cảnh dịch Covid-19, việc dạy và học gặp không ít những khó khăn, thách thức. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến có lúc việc đến trường của học sinh bị gián đoạn. Đứng trước những khó khăn, toàn ngành đã nỗ lực xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch năm học 2021 -2022 một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Ngành tận dụng tối đa thời gian “vàng” khi học sinh được đến trường, sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi học sinh phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh bùng phát. Đồng thời rà soát số học sinh hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến để triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giúp học sinh khó khăn có thiết bị học tập. Thời điểm này, một số trường học ở Lâm Bình đang thực hiện cách ly, dừng đến trường, những người thầy, người cô lúc này vừa đóng vai người thầy, vừa là cha, là mẹ, chăm sóc những học sinh phải tạm xa nhà. Mỗi thầy cô giáo một hoàn cảnh và có những việc làm tốt khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương học trò vô bờ bến, muốn học trò của mình được sống và học tập ở môi trường giáo dục đầy đủ hơn. 

Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Vân (Yên Sơn) tặng quà cho học sinh vượt khó vươn lên trong học tập.

“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo”

Là một tỉnh miền núi, việc dạy và học của giáo viên và học sinh mỗi nơi lại có một đặc thù riêng. Ở những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn để bám lớp, bám trường, gắn bó với học sinh thân yêu, mang lại tri thức cho con em các dân tộc trên địa bàn. Cô giáo Ma Thị Chà, giáo viên Trường Mầm non Yên Thuận (Hàm Yên) mang gạo, thức ăn của nhà đi nuôi trẻ vùng cao ở điểm trường khó khăn là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương, khen thưởng. Cô Chà bảo, nhìn trẻ em vùng cao còn thiếu ăn, thiếu mặc cô thương lắm. Cô muốn bù đắp cho các em thật nhiều nên giúp các em được đến đâu thì cô không tiếc bởi các em cũng giống như các con, em của cô ở nhà. Trong thời gian qua, phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai rộng khắp. Từ đó mỗi trường, mỗi giáo viên đã đăng ký thực hiện các việc làm tốt. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn lượt giáo viên đăng ký và thực hiện thành công việc giúp đỡ, hỗ trợ học sinh. Giai đoạn này, các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh cũng đã ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 4 tỷ đồng; nhiều trường học tổ chức bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu, gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó... Những việc làm ý nghĩa trên đã cho thấy tình yêu, tránh nhiệm của mỗi thầy cô giáo, nhà trường đối với sự nghiệp “trồng người”.

Niềm vui của cô trò điểm Trường Mầm non thôn Cả, xã Công Đa (Yên Sơn).

Sự tâm huyết của các thầy cô trong dạy học, giúp đỡ học sinh vượt khó học tốt đã góp phần bồi đắp hình ảnh người giáo viên tâm huyết, tận tụy tạo được niềm tin trong nhân dân. Ông Sầm Văn Páo, người dân thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chia sẻ, các thầy, cô giáo đã không quản ngại lặn lội vào với thôn, bản để dạy chữ cho con em dân tộc mình, vì thế càng gắn bó lâu dài với thôn, bản, các thầy cô càng được bà con, học sinh quý mến, coi như người nhà. Không chỉ ông Páo mà các cấp chính quyền, người dân luôn ghi nhận và đồng hành cùng các thầy, các cô. Đối với nhân dân, mỗi thầy, cô giáo như là một tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Ngành Giáo dục tỉnh trong nhiều năm đã ghi nhận biết bao tấm gương giáo viên hết mình vì học sinh. Đó là chặng đường gần 20 năm dạy học ở huyện vùng cao Lâm Bình của cô giáo Trần Thị Nhung nhà ở thành phố Tuyên Quang; cô giáo Lê Thị Trường, Trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) nhận nuôi học sinh mồ côi suốt 3 năm học phổ thông; cô giáo Lê Thị Việt, Trường Tiểu học An Khang (TP Tuyên Quang) trích tiền lương đều đặn mỗi năm học dành tặng hơn 30 suất quà cho học sinh khó khăn... “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, vượt qua thời gian, đạo nghĩa thầy trò đã được bồi đắp, gìn giữ và phát huy được ý nghĩa cao đẹp. Việc giữ gìn đạo nghĩa thầy trò còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục tích cực, nhân văn, tiếp tục khẳng định truyền thống tôn sư trọng đạo, thể hiện nét văn hóa ứng xử đẹp đẽ của người Việt chúng ta.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục