Chảy mãi dòng cảm xúc tri ân

- Trịnh Công Sơn từng tha thiết “Ngày mai đây ruộng xanh là niềm tin cấy trên lòng anh”, còn Nguyễn Thái Sơn (Hà Nam) mong mỏi “Hương khói đừng quên một mộ nào”. Và suốt chiều dài lịch sử, đề tài thương binh liệt sỹ trở thành niềm thao thức trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Máu xương của các chiến sỹ đã hóa thân vào mỗi ngọn núi, dòng sông trên dải đất hình chữ S. Và rồi lặng lẽ đi vào mỗi trang thơ, lời nhạc vang mãi khúc ca khải hoàn.

Hình tượng người thương binh, liệt sỹ, người Mẹ Việt Nam anh hùng - những người đã dũng cảm hy sinh, cống hiến cho đất nước đã được văn nghệ sỹ xứ Tuyên khắc họa sinh động. Đó là những dòng thi ca đầy cảm xúc, hình ảnh “vết chân tròn trên cát”, người mẹ già run run thắp nén hương cứ trở đi trở lại trong từng câu chữ khiến bao người khắc khoải. Lòng ta bỗng run run khi chạm vào những câu thơ của Cao Xuân Thái: “Các anh có nghe mẹ gọi chiều nay/Như con mẹ nặng lòng sinh hạ/Từng ngôi mộ - những cuộc đời bình dị/Nén nhang thơm cháy đỏ tận cùng” (Chiều nghĩa trang).

Vào mỗi buổi chiều tà, người mẹ ấy lặng lẽ đến thăm các con. Ngồi bên cạnh, mẹ tha thiết gọi tên rồi thầm thì những câu chuyện kể. Với mẹ, các anh vẫn còn bé nhỏ, cần được chở che, chăm bẵm như ngày thơ dại. Mẹ không thể hiện nỗi đau ra bên ngoài dịu dàng, nhỏ nhẹ như một cách kìm nén cảm xúc mất mát, xót xa. Câu thơ giàu sức gợi “Nén nhang thơm cháy đỏ tận cùng”, đó là sự bùng cháy trong tâm khảm, nỗi niềm người mẹ mất con, thương con, nhớ con đến vô bờ bến.

Vẫn biết chiến tranh không tránh khỏi hy sinh mất mát, mẹ mất con, vợ mất chồng, tình duyên đôi lứa lỡ làng, vượt lên trên cảm xúc đời thường nhưng người lính Cụ Hồ lại đối diện với điều đó thật mạnh mẽ, lạc quan. Bởi đối với các anh được cầm súng bảo vệ Tổ quốc là điều thiêng liêng tự hào nhất. Và những hy sinh mất mát chẳng đáng phải nề hà, hoàn cảnh nào cũng tràn đầy tinh thần lạc quan: “Dẫu chỉ còn có một cánh tay/Lòng vẫn hăng say cuộc đời chiến sỹ” (Anh Bưu tá vùng cao - Ngọc Hiệp).

Khi trở về với thời bình, họ trở thành những con người dựng xây quê hương đất nước. Đó có thể là anh nông dân, người giáo viên, đồng chí cán bộ... Và hình ảnh người thầy giáo thương binh đi vào trang thơ Nguyễn Hữu Dực. Với tinh thần còn sức còn cống hiến, anh bộ đội vẫn vang mãi khí chất người lính kiên cường năm nào. Trong thời chiến anh dũng, xông pha và giữa thời bình trở thành “người lái đò” ân cần dạy học trò từng nét chữ, bài văn: “Chỉ còn một bàn chân/Những nét chữ sáng ngời trên bảng/Tiếng đọc bài đầm ấm ngân vang/Nhịp phách rừng nghe chim hót gọi đàn...” (Người thầy giáo thương binh).


Một tiết mục văn nghệ tại liên hoan nghệ thuật quần chúng Hát về người chiến sỹ.

Không chỉ trong những trang thơ mà trong âm nhạc đề tài thương binh liệt sỹ trở thành mạch nguồn không vơi cạn. Có một đặc điểm chung bao trùm trong những bài hát về mảng đề tài thương binh, liệt sỹ đó là: Nét giai điệu trầm lắng, tha thiết, mỗi ca từ đều toát lên thái độ thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng. Đó không chỉ là nỗi niềm xúc động riêng của người nhạc sỹ mà còn là tiếng lòng đồng điệu của bao người. Với giai điệu và ca từ dung dị, mộc mạc, bài hát “Em hát tên anh Người liệt sỹ” và bài hát “Em biết ơn Anh thương binh” của nhạc sỹ Đinh Quang Minh đã trở thành bài hát quen thuộc với các em thiếu nhi trong tỉnh.

Những giai điệu đó từng được thu âm và phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang. Lời ca như một sự nhắc nhở, biết ơn thành kính những anh hùng ngã xuống vì nền độc lập để các em có được ngày hôm nay: “Vì tương lai của đàn em nhỏ, Anh đã hy sinh trọn đời cho nước non. Em hát tên anh còn vang mãi muôn đời…” (Em hát tên anh Người liệt sỹ). 

Năm tháng “vào sinh ra tử” trên chiến trường đã để lại bao nhiêu ký ức, khát vọng trong mỗi người lính. Tân Điều từng là một cựu binh thế nên khi viết về những hy sinh mất mát của chiến sỹ, lòng ông quặn thắt trước “ra đi” của đồng đội. Những ca từ giản dị, tha thiết, sâu lắng mà gợi lên trong lòng người những nỗi niềm suy tư, trăn trở: Có những sự hy sinh đã ươm mầm cho sự sống cũng như xương máu các chiến sỹ đã ngã xuống cho bờ cõi, biển đảo được bình yên. Bài hát “Anh giữ trọn màu xanh quê hương” mang âm hưởng trầm hùng, sâu lắng đã nói đến sự tri ân đối với những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma: “Sóng bạc đầu đưa anh về đất mẹ, biển xanh dâng hoa trắng dập dờn, trùng khơi mờ sương hương hoa bát ngát…”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, dòng ca khúc truyền thống hay thơ ca cách mạng vẫn có một sức sống bền bỉ và một chỗ đứng vững chắc trong lòng người công chúng. Những tác phẩm tựa những nén tâm nhang thắp lên tưởng nhớ những người anh hùng đất nước. Họ đã đóng góp tuổi xanh cho ngày vui hòa bình, độc lập. Cuộc đời của các anh mãi mãi là những bài ca oai hùng cùng cất lên trong lòng mỗi người con đất nước.        

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục