Dấn thân trong từng tác phẩm

- Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trải qua 9 mùa giải. Nông thôn mới Tuyên Quang hiện ra trong từng trang viết, mỗi khuôn hình, tấm ảnh của các phóng viên, nhà báo với những đổi thay rõ rệt qua thời gian. Sự tìm tòi, sáng tạo và dấn thân vào thực tiễn của mỗi phóng viên, nhà báo đã tạo ra những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, giúp công chúng thấy được một quê hương nông thôn ngày càng phát triển giàu đẹp.

Tìm tòi cách làm sáng tạo từ thực tiễn

Qua các tác phẩm báo chí của nhà báo, các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân nông thôn đã được phản ánh cụ thể, đầy đủ. Xông xáo nắm bắt và tìm tòi tư liệu từ cơ sở, nhóm tác giả: Hoàng Phương, Quang Thành, Lưu Khiêm, Hùng Sơn, Bách Việt, Khánh Huyền - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tham gia Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” lần thứ IX với tác phẩm Đường tới liên kết.

Phóng viên Hoàng Niềm, tác nghiệp tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà, Chiêm Hóa.

Nhóm tác giả đưa người xem đến với thực tế ở cơ sở, đến với người dân để thấy những mong muốn, nhu cầu thực sự của họ trong cuộc sống là gì. Đó là một nông dân trồng hồng lớn nhất của xã Xuân Vân (Yên Sơn) cùng với nỗi ám ảnh được mùa thì mất giá, còn mất mùa thì lại được giá. Đó là một thủ lĩnh thanh niên ở xã vùng cao Hồng Thái (Na Hang) đau đáu với lợi thế một vùng quê đất đai rộng lớn nhưng chăn nuôi kém hiệu quả do tập quán chăn thả truyền thống của các hộ dân... Từ tác phẩm báo chí này cho thấy, nhu cầu của người nông dân cần có một tổ chức tập hợp các hộ làm nông nghiệp để đoàn kết cùng giúp nhau kinh nghiệm làm ăn, vốn, đầu ra cho sản phẩm... Từ đó có thể khẳng định, liên kết để có thêm nguồn vốn, liên kết để có đầu ra cho sản phẩm ổn định, rồi những lợi ích của liên kết đều có gắn với thực hiện chữ tín để “đôi bên cùng có lợi”. Tác giả Hoàng Phương cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng kịch bản và “nuôi” đề tài này ngay từ đầu năm. Chúng tôi đã có nhiều ngày đi cơ sở, đến với người dân. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh, gặp gỡ và phỏng vấn lãnh đạo ngành chức năng, lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã để tìm hiểu từng bước đi, cách làm và thấy được hiệu quả việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ê kíp đã đi tận Hà Nội để phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ về vấn đề này. Chúng tôi đã chọn được chủ đề được nhiều người quan tâm và xây dựng kịch bản cụ thể, quyết tâm hoàn thành tác phẩm”.

Trong tác phẩm Ươm rừng của tác giả Thùy Linh - Báo Tuyên Quang tham gia Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” lần thứ IX, người đọc được đến vùng đồng bào dân tộc Nùng ở thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Cả đời sống với rừng, gắn bó với rừng, người dân nơi đây thấu hiểu “chỉ có rừng mới xua đi cái nghèo, mang lại cuộc sống sung túc”. Làm nghề nghiêm túc và trách nhiệm, phóng viên Thùy Linh đã sâu sát thực tế và phát hiện những người dân tâm huyết, yêu rừng và coi giữ rừng như giữ nguồn cội của mình. Để từ đó trong tác phẩm của mình, tác giả bài viết đã cho thấy, người dân nơi đây sẵn sàng thử nghiệm cái mới, đi đầu áp dụng trồng rừng theo tiêu chuẩn PSC, nhận dạng gỗ thành phẩm CoC để vươn lên làm giàu từ rừng, điển hình là ông Tạ Văn Trịnh, Vũ Văn Hòe và cả các đồng chí lãnh đạo xã như Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quang Đảm hay Chủ tịch UBND xã Trần Quyết Cường.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc đạt hiệu quả của các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ở xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) là phát hiện của phóng viên Cao Huy được đề cập trong tác phẩm Cán bộ thôn “a còng”. Những cán bộ thôn bản ở một xã vùng sâu, xa ban đầu nhìn thấy máy tính xách tay còn không hiểu đó là cái  gì. Thế rồi, một lớp “vỡ lòng” về sử dụng máy tính xách tay do UBND xã tổ chức đã giúp khai thông tri thức cho cán bộ thôn độ tuổi từ 30 đến ngoài 60 tuổi. Sau đó, xã huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ mỗi thôn một máy tính xách tay. Phóng viên Cao Huy đã gặp gỡ nhân vật, khai thác được nhiều thông tin chân thực, khách quan về một điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Thông tin trong tác phẩm này cho thấy, hiệu quả thực sự bất ngờ, tạo bước đột phá trong nhận thức của cán bộ thôn, trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công việc.

Mỗi tác phẩm tham dự Cuộc thi là một sự tìm tòi, sáng tạo trong tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo. Các tác giả đã dày công đầu tư thời gian, phát hiện những điển hình tiên tiến, những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo từ cơ sở. Các tác phẩm bám sát những vấn đề thời sự của tỉnh, phong trào thi đua của các cấp, các ngành, những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nhà báo Thủy Châu, Báo Tuyên Quang tác nghiệp tại xã Côn Lôn (Na Hang).

Phát huy thế mạnh từng loại hình báo chí

Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” lần thứ IX năm 2020 do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan báo chí tỉnh tổ chức. Cuộc thi có 76 tác phẩm báo chí tham gia vòng sơ khảo. Ban Tổ chức đã lựa chọn 57 tác phẩm của 38 tác giả, nhóm tác giả vào vòng chung khảo. Trong đó, Báo Tuyên Quang có 37 tác phẩm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh 15 tác phẩm, Báo Tân Trào 1 tác phẩm, Báo Nhân Dân thường trú tại Tuyên Quang 2 tác phẩm, Câu lạc bộ Người làm báo cao tuổi 2 tác phẩm. So với năm 2019, số lượng tác phẩm dự thi tăng 16 tác phẩm. Có tác giả có nhiều tác phẩm tham gia như Hoàng Niềm - Báo Tuyên Quang 7 tác phẩm; Thùy Linh - Báo Tuyên Quang 7 tác phẩm.

Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” lần thứ IX có các tác phẩm tham gia ở cả 4 loại hình báo chí: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Các cuộc thi hàng năm, báo in chiếm số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất, sau đó đến tác phẩm truyền hình. Riêng loại hình phát thanh và báo điện tử mới có tác phẩm tham gia trong 2 năm trở lại đây. Ban Tổ chức đã chấm, lựa chọn 31 tác phẩm của 31 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. Trong đó truyền hình 7 giải, phát thanh 3 giải, báo in 17 giải, báo điện tử 3 giải.

Loại hình báo điện tử có 5 tác phẩm tham gia giải gồm 3 video, 2 E-magazine. Tác phẩm E-Magazine Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Cú huých phát triển nông nghiệp nông thôn của tác giả Minh Hoàng - Báo Tuyên Quang điện tử đã cho thấy hiệu quả của một nghị quyết vì nhân dân, hợp lòng dân. Sử dụng thể loại báo chí điện tử E-Magazine, tác phẩm thu hút người đọc, người xem bằng những hình ảnh, con chữ bắt mắt, hấp dẫn, dễ theo dõi. Tác giả tận dụng ưu thế về đồ họa để thiết kế phông chữ linh hoạt, dùng nhiều ảnh trong một tác phẩm. Tác phẩm khắc họa một bức tranh nông thôn tươi sáng từ sự hỗ trợ của Nhà nước, chung sức của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tác phẩm phát thanh Tân Trào ngày mới của nhóm tác giả Minh Phương, Ma Lắm, Sao Mai - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh là một trong ba tác phẩm phát thanh lọt vào vòng chung khảo. Những con đường bê tông sạch sẽ, ruộng đồng xanh tươi, đồi chè trải dài hiện hữu ấm no, đủ đầy. Nét văn hóa truyền thống ở Tân Trào vẫn được người dân gìn giữ như làn điệu Then, Cọi, đàn Tính, nhà sàn... Tác phẩm sử dụng âm nhạc, tiếng động, lời dẫn truyền cảm làm cho người nghe hình dung một vùng đất Tân Trào lịch sử - xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đang đổi thay từng ngày.

Phát huy thế mạnh của từng loại hình báo chí, các phóng viên, nhà báo đã lựa chọn chủ đề, đề tài phù hợp. Những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” lần thứ IX đều là thành quả dấn thân của mỗi nhà báo. Nhiều tác phẩm báo chí không những thể hiện sự công phu về nội dung mà còn có những hình thức trình bày bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại với cách thức thể hiện mới đã tạo nên tác phẩm báo chí có chất lượng.

Hoài Yên

Tin cùng chuyên mục