Những bài ca reo vang nhịp bước anh giải phóng quân

- Văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ, điều đó đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ đã góp phần không nhỏ vào chiến công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó không thể không nhắc đến các bài hát, đó thực sự là một vũ khí sắc bén và kịp thời cùng hoà nhịp theo bước chân anh giải phóng quân trong mùa xuân 1975. Cứ mỗi khi nghe tin trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam về một vùng quê được giải phóng thì đồng thời cũng vang lên những bài ca tưng bừng khí thế chiến thắng.

Ngày 11/3/1975, mở đầu là chiến thắng Buôn Mê Thuột thì đến ngày 24/3 toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn được giải phóng. Hàng loạt ca khúc đã ra đời: Tây Nguyên giải phóng (Kpapúi và Tôn Thy), Hát mừng Tây Nguyên giải phóng (Cầm Phong), Tây Nguyên lại bừng lên tiếng hát (Nguyễn Mạnh Thường), Sông Đăkrông mùa xuân về (Tố Hải)... Những ca khúc với âm thanh rộn ràng, hùng tráng, vang vọng như tiếng cồng chiêng trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đất đỏ bazan:

“Khắp núi rừng xanh bát ngát

 Nghe lưng trời kìa con chim hót

Đất nước vui sao có những ngày

Những tiếng ca trên đất này,

Những tiếng ca vang trên đất này”.

(Những tiếng ca vang trên đất này - Nguyễn Đức Toàn)

Ngày 26/3 thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng, trong niềm vui chiến thắng vang lên những ca khúc mới sáng tác như còn hơi thuốc súng: Gửi Huế giải phóng (Nguyễn Văn Thương), Huế của ta ơi (Thanh Phúc), Mùa xuân trên thành phố Huế (Nguyễn Viêm), Các anh về giữa Huế thân yêu (Vũ Thanh),... với những âm điệu mang đậm sắc dân ca, dân nhạc của vùng Trị Thiên - Huế, dịu ngọt, da diết, nhưng thúc giục lòng người với niềm tin chiến thắng:

“Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương

Như người thương nhắn gửi người thương

Hà Nội chào cố đô giải phóng

Tiếng hát reo vui vang khắp phố phường”.

(Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương - Văn An)

Ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng, một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ đã bị tiêu diệt, thành phố được hoàn toàn giải phóng. Cùng với chiến thắng vang dội ấy, hàng loạt ca khúc đã ra đời: Chào Đà Nẵng giải phóng (Phạm Tuyên), Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về (Phan Huỳnh Điểu), Hát về Đà Nẵng kiên cường (Cao Việt Bách), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi (Nguyễn Đức Toàn), Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ biển Đông (Nguyễn An),... Các ca khúc được sáng tác vào thời điểm sôi động này có sức mạnh vô cùng lớn lao, là tiếng kèn xung trận có tiếng vang mạnh mẽ trong trái tim từng người dân, từng chiến sĩ:

“Đà Nẵng ơi, yêu làm cuộc sống!

Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng

Hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương

(Sông Hàn vang tiếng hát- Huy Du)

Sau đó là liên tiếp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được giải phóng theo bước chân thần tốc tiến quân. Và các địa danh này cũng kịp thời có ngay những ca khúc chiến thắng: Bình Định quê ta (Trần Hữu Pháp), Mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu)...

Từ đầu tháng 4 năm 1975, tin chiến thắng dồn dập, nhân dân ta đã sống những ngày hào hùng, sôi động chưa từng có. Cả dân tộc ra quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với khí thế "thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng". Niềm vui lớn lao và vĩ đại ấy đã thành khúc nhạc lời ca vang khắp miền Tổ quốc như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung), Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Hát về Thành phố tên vàng (Cát Vận), Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng (Lưu Cầu), Việt Nam ngày đại thắng (Vũ Thanh), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ (Dân Huyền),...

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay.

Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây

Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng...".

(Đất nước trọn niềm vui - Hoàng Hà).

“Thành phố Hồ Chí Minh quê ta, đã viết nên thiên anh hùng ca.

Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”.

(Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - Xuân Hồng).

Đặc biệt bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên được ông sáng tác chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đêm 28/4/1975. Để đến chiều 30/4 bài hát đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình thời sự đặc biệt:

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông

Ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công

Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!”

Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc, mùa xuân thống nhất, mùa xuân của sum họp. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi mở ra thời kỳ tươi sáng, vẻ vang cho cả dân tộc. Dấu son ấy trở thành cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác ra những bài ca đi cùng năm tháng, góp phần tôn vinh tầm vóc và ý nghĩa to lớn của đại thắng mùa xuân 1975.

                                                                                                                         Viên Tân Điều
                                                                                                                   (Sưu tầm và biên soạn)

Tin cùng chuyên mục