Đôi vợ chồng say mê Then, Cọi

- Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng ông bà Phúc Vân Vàng - Quan Thị Tiêu, thôn 8, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) chưa bao giờ nguôi niềm đam mê Then, Cọi. Ngày ngày, ông vẫn miệt mài sưu tầm Then, Cọi cổ, sáng tác lời mới cho Then rồi ghi chép lại; bà lại say sưa đưa lời Then, Cọi ấy vang xa trong bản làng.

Đã ngoài 70 tuổi, ông bà vẫn luôn đam mê làn điệu Then, Cọi

Lật giở cuốn sổ ghi chép, ông Vàng bảo, ông đã dịch được 2 cuốn Nôm Tày, 136 bài quan làng hát trong đám cưới viết bằng chữ nôm Tày. Ồng còn sưu tầm 30 bài Cọi cổ bằng tiếng Tày. Ông nhận thấy, đời nào cũng có Cọi. Cọi không chỉ là những lời ca, tiếng hát mà còn mang tính triết lý sâu sắc. Đó là lời giáo huấn của cha ông, là kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; là lời răn về đạo lý vợ chồng, con cái; ca ngợi cảnh đẹp quê hương....Đơn giản hơn là những câu đố vui, trêu ghẹo nhau thể hiện sự thông minh, dí dỏm của bà con. Ví như bài cọi cổ đùa con gái qua đường:

Cần hẩu quá tàng luông bưởng pại

Cần hâu quá tàng cải bưởng sinh

Hang thửa pặt lồng đin kheo ón

Ước rằng đảy pây cón pậu nàng

Ước rằng đảy pây chang pậu noọng

Dịch nghĩa:

Người nào qua đường cái ở bên

Người nào qua đường to bên ấy

Tà áo bay xuống đất xanh non

Ước gì được đi trước bạn nàng

Ước gì được đi đôi cùng bạn...

Bởi thế, càng sưu tầm ông càng say mê. Niềm say mê thôi thúc ông phải làm sao có thể sáng tác thêm bài Cọi mới để làm dày thêm kho tàng Cọi của người Tày. Ông tâm sự, ông cũng không nhớ hết là đã sáng tác được bao nhiều bài hát Cọi. Chỉ biết rằng, cứ đi nương, làm ruộng là ông lại sáng tác. Về nhà, ông lại lấy sổ ghi chép lại. Ông bảo, Cọi tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật. Mỗi câu có 7 chữ, chữ cuối cùng ở mỗi câu phải vần với chữ thứ 5 của câu 2 và cứ lặp lại như thế.

 Ông Phúc Vân Vàng vẫn ngày ngày nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác các bài hát Cọi

Các bài Cọi ông sáng tác được bà hát trong dịp họp mặt gia đình, hát trong đám cưới, liên hoan, chúc mừng... Bà Tiêu chia sẻ: Vợ chồng bà đến với nhau từ điệu Then, lời Cọi và giờ chính lời Then, Cọi ấy khiến tình nghĩa vợ chồng thêm bền chặt hơn. Nhưng lời Cọi ông sáng tác bà đều hiểu thấu tâm tư, tình ý gửi gắm trong đó. Bởi thế, mỗi lần hát bà đều thể hiện say sưa, như chính tiếng lòng của mình.

Nay tuổi đã cao, bà vẫn say sưa với làn điệu dân ca của người Tày. Bà là một trong những thành viên không thể thiếu trong đoàn nhà trai, hoặc nhà gái đón, rước dâu. Bà bảo, người Tày vẫn giữ phong tục hát Quan làng trong đám cưới. Những người hát Quan làng là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về. Các bài Quan làng hát có nội dung chủ yếu là chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ.

Bà cho biết thêm, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Khi thực hiện các nghi lễ để đón, rước dâu, người hát Quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Trong hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng. Vì vậy, Quan làng phải là người thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình. Vậy nên, trước khi đám cưới, nhà trai thường rất cẩn trọng trong việc tìm quan làng để đón dâu; nhà gái cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn người để đưa con gái mình về nhà chồng. Bà rất vinh dự khi được bà con trong bản tin tưởng, lựa chọn để hát Quan làng trong đám cưới. Đó là niềm vui, là động lực để bà tiếp tục duy trì vốn dân ca của dân tộc mình.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục