Ngôi nhà mới của ông Trương Phúc Hào, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương, Na Hang.
Từ xa, ngôi nhà mới của ông Trương Phúc Hào nổi bật trong lác đác ngôi nhà mái lá, mái tôn. Đón chúng tôi trong căn nhà mới tinh tươm, ông Hào bảo: Tục cúng vào nhà mới là bước quan trọng không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào Dao. Cúng vào nhà mới không chỉ thể hiện lòng thành, sự biết ơn bề trên, mà còn là sự khởi đầu mới cho gia đình luôn bình an, thịnh vượng. Để chuẩn bị vào nhà mới, ông phải mời thầy cúng có uy tín. Thầy sẽ xem ngày lành, tháng tốt để làm lễ.
Thầy cúng Phùng Thừa Tiến, thôn Phú Linh, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) được ông Hào lựa chọn để thực hiện nghi lễ quan trọng này. Ông Tiến cho biết, cúng vào nhà mới nhằm mục đích báo cáo với các vị thần thổ địa - thổ công cũng như gia tiên. Lễ vật cúng hết sức đơn giản với 1 con gà trống, muối, gạo, vòng bạc. Sau khi thắp hương dâng lễ, thầy sẽ báo với bề trên rằng ngôi nhà đã xây dựng xong, mong các vị chứng giám và phù hộ cho các thành viên trong gia đình tài lộc và bình an. Thầy thay mặt gia chủ mời thần linh về nhà cùng hưởng phúc lộc, và cùng thầy đuổi mộc tinh, tà ma.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng vào nhà mới.
Gia chủ phải chuẩn bị một chiếc thuyền nan, dán giấy xung quanh. Kết thúc nghi lễ, gia chủ mang chiếc thuyền ra ngoài đốt với ý nghĩa đã đuổi mộc tinh, tà ma ra khỏi nhà. Từ nay, gia chủ sẽ có cuộc sống yên ổn.
Kết thúc lễ cúng, chủ nhà mời anh em, họ hàng ngồi cùng thưởng thức những món ăn độc đáo, chúc mừng gia chủ. Đồng bào Dao quan niệm, ngày vào nhà mới phải đông anh em, họ mạc thì gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, ngôi nhà luôn ấm cúng, đoàn kết. Bởi thế, bên cạnh việc chọn ngày lành, tháng tốt họ cũng chọn vào ngày nghỉ để bà con có điệu kiện tới dự. Nhờ vậy, mà tình đoàn kết trong cộng đồng người Dao thêm gắn bó, bền chặt.
Gửi phản hồi
In bài viết