Nét đẹp văn hóa của người Tày ở Hùng Mỹ

- Chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, đồng bào Tày ở thôn Rõm, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã giữ gìn, phát triển vốn văn hóa truyền thồng từ bao đời nay.

Phụ nữ Tày ở thôn Rõm giữ nghề đan truyền thống

Gìn giữ trang phục truyền thống là nét nổi bật trong văn hóa người Tày. Bà Ma Thị Nhung là một trong số ít người ở thôn Rõm còn giữ bộ trang phục cổ của người Tày. Từ chất liệu vải, cách phối màu sắc trên cổ áo, tay áo đều giữ nguyên bản bộ trang phục của phụ nữ Tày xưa kia. Bà cho biết, chiếc áo làm từ vải sợi bông tự dệt nên rất mát. Màu chàm cũng do bà con tự nhuộm nên khá bền màu. Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày không phải là lối tạo dáng mà là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ. Hiện nay, phụ nữ Tày nào ở thôn Rõm cũng lưu giữ bộ trang phục truyền thống. Họ không mặc trong sinh hoạt hàng ngày mà chỉ mặc vào dịp lễ, Tết hoặc các ngày quan trọng như đám cưới, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Bà Ma Thị Nhung, thôn Rõm vẫn gìn giữ bộ trang phục cổ của phụ nữ Tày.

Người Tày ở đây còn rất coi trọng bảo tồn những nghề truyền thống như: đan lát, làm nón lá… Hiện nay, thôn Rõm đã thành lập câu lạc bộ mây giang đan. Sẵn nghề truyền thống, các bà, các mẹ, các chị đã khéo léo tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre, nứa, mây, giang. Từ những vật dụng trang trí như: lọ hoa, khay đựng hoa quả, giỏ cắm bút đến những đồ dụng tiện ích như làn đi chợ, rổ, rá… đều được làm từ mây, giang, tre, nứa nên rất thân thiện với môi trường. Chị Ma Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ chia sẻ, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ ở đây được nhiều nơi đặt mua như Hà Nội, Bắc Ninh. Đặc biệt, là chính người dân trong xã rất ưa chuộng. Hầu như gia đình nào cũng có chiếc làn đi chợ, chiếc rổ rá bằng mây, tre, giang và cả những chiếc khay đựng hoa quả hay lọ cắm hoa cũng là sản phẩm của câu lạc bộ. Việc duy trì nghề truyền thống đã giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cùng với nghề đan lát, phụ nữ Tày ở thôn Rõm còn duy trì nghề đan nón. Bà Ma Thị Bình tự hào chia sẻ, chiếc nón từ xưa đến nay luôn gắn bó với người Tày. Xưa kia, phụ nữ Tày khi lên xe hoa về nhà chồng đều mang theo chiếc nón. Chiếc nón ấy được thầy cúng làm lễ rồi đội lên đầu cô dâu. Chiếc nón ấy như mái nhà, che chở cuộc đời cô gái từ giây phút này và mãi về sau.

Trong đời sống hàng ngày, chiếc nón là vật dụng không thể thiếu. Nón theo những phụ nữ Tày đi chợ, ra đồng… che mưa, che nắng, khi cần có thể dùng để quạt. Vì sự tiện lợi này mà chiếc nón vẫn gắn bó với phụ nữ Tày từ bao đời nay. Ưu điểm của chiếc nón tày là khá chắc chắn, bền đẹp nên có thể sử dụng lâu dài. Cầm chiếc nón lá lên, bà Bình giới thiệu: Chiếc nón lá của người Tày có hai phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ 2-3 tàu lá khô. Phần bên trong, lấy cây tế trên rừng đã bóc vỏ về phơi khô, sau đó đan cầu kỳ thành các mắt hình lục giác đều. Người phụ nữ nào đảm đang, khéo léo là đan được các mắt hình lục giác vừa nhỏ vừa đều để cho chiếc nón vừa bền, vừa đẹp. Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột (hoặc tre) và buộc chặt bằng lạt giang. Chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày đặc biệt ở chỗ có hai vành nón, vành trong nhỏ hơn, nằm ở khoảng ba phần tư chiếc nón. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

Với những cách làm cụ thể, đồng bào Tày ở thôn Rõm đã và đang khôi phục, phát triển những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, góp phần làm dày thêm vốn văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục