Ngày 15-1 (âm lịch) gói bánh chưng; ngày Tết Thanh minh 3-3 bánh trôi, bánh chay; Tết Đoan ngọ 5-5 gói bánh lẳng, Rằm tháng Bảy là bánh gai, bánh mật; ngày 10-10 (Tết đông) gói bánh giày. Và Tết Nguyên đán là bánh chưng, bánh gai, bánh chim gâu. Điều đặc biệt là, tất cả các ngày lễ, Tết này đều không thể thiếu món bún. Nói về món bún truyền thống, chị Phan Thị Bắc, thôn 10, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) giãi bày, xưa kia bún là món ăn sang, chỉ ngày lễ, Tết mới có. Giờ đây, bún đã trở thành món ăn hàng ngày.
Chị Phan Thị Bắc, thôn 10, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) làm món bún truyền thống phục vụ nhu cầu thị trường.
Bún của người Cao Lan là bún sợi to (giống như bún của đồng bào Tày) làm từ gạo Bao Thai. Sợi bún chuẩn vị có mùi thơm ngai ngái, dẻo, thơm. Đặc biệt, bún của người Cao Lan không trắng trong mà hơi đục. Đó là màu của gạo nguyên chất ngâm ủ qua thời gian mà không dùng bất cứ chất bảo quản nào. Khi làm bún, bà con thường mổ con vịt, hoặc gà để làm nước chan. Ngoài ra, có thể chế biến cùng với thịt băm, sườn sụn cũng đều gây thương nhớ.
Cùng với món bún, người Cao Lan còn có một loại bánh mà nhắc đến tên là ai cũng nhớ, đó là bánh chim gâu. Theo Chị Hoàng Thị Yên, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), so với các loại bánh truyền thống khác thì bánh chim gâu đòi hỏi sự kỳ công. Để chuẩn bị gói bánh, chị em phải lên rừng lấy lá dứa để đan thành hình con chim gâu. Sau đó, chọn loại nếp dẻo thơm, vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm một ít muối tạo vị đậm đà. Vào ngày lễ, Tết, bà con lại gói bánh chim gâu dâng lên tổ tiên.
Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) giới thiệu về một số món bánh truyền thống.
Nếu bánh chim gâu thường được gói vào dịp lễ, Tết thì bánh vắt vai là món bánh gắn liền với quá trình lao động cực nhọc của người Cao Lan. Họ làm bánh vắt vai để mang theo khi lên nương, làm rẫy hay có việc đi xa. Cái tên vắt vai là bởi chiếc bánh có thể vắt lên vai nên rất tiện lợi. Bánh được làm từ gạo nếp xay trộn với nước ngải cứu luộc, nhân đậu xanh nên có giá trị dinh dưỡng cao. Đến nay, chiếc bánh này trở thành thực đơn cho bữa sáng hay gia đình có công việc.
Theo chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), hiện nay các loại bánh truyền thống của đồng bào Cao Lan đều được gìn giữ. Ngoài việc duy trì làm bánh trong dịp lễ, Tết, mùng Một, ngày rằm thì một số chị em đã làm bánh phục vụ nhu cầu thị trường. Chị tin rằng, cùng với kho tàng văn hóa độc đáo như Sình ca, trống Sành... thì ẩm thực đa sắc màu chính là điểm nhấn để văn hóa người Cao Lan lan tỏa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa ẩm thực của các dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết