Những người giữ hồn chợ phiên

- Chợ phiên là nơi lưu giữ những gì chân chất, mộc mạc nhất của người vùng cao. Và những người giữ hồn chợ quê ấy không chỉ có những người bán hàng mà còn cả người mua.

Chợ phiên là nơi gặp gỡ, trò chuyện thân tình của cả người bán và người mua

Có mặt tại chợ phiên Hùng Lợi (Yên Sơn) vào khoảng 7h sáng, tôi bị thu hút bởi sự phong phú của các sản phẩm được bày bán. Ghé thăm gian hàng bán quần áo dân tộc Mông, tôi tò mò khi thấy chiếc địu được bày bán khá nhiều. Chị Sằm Thị Phùa bảo, chiếc địu được nhiều người mua, vì giá cả phải chăng, khoảng 150.000 đồng. Còn chiếc áo thì 200-300.000 đồng. Mỗi buổi có khi chỉ bán được vài phụ kiện như khăn đội đầu, yếm, thắt lưng... nhưng chị vẫn vui. Chị thích được hòa cùng không khí sôi động của chợ phiên, được thấy các bà, các mẹ xúng xính váy Mông xuống chợ. Chị thấy đi chợ như đi hội vậy.

Thích đi chợ phiên vì vui, vì nhớ... Đó là câu trả lời của cả người bán và người mua. Với người bán, sản phẩm bán ra có thể chưa nhiều nhưng họ vẫn vui vì được gặp gỡ người quen. Còn người mua thì đi chợ phiên ngày cuối tuần là giây phút thư giãn. Đúng như chia sẻ của chị Đặng Thị Trang, người luôn có mặt tại chợ phiên Kiến Thiết (Yên Sơn) vào ngày cuối tuần. Chị Trang giãi bày, chị lấy chồng ở thành phố được 10 năm nay nhưng hầu như phiên chợ nào chị và 2 con gái đều về. Chị thích cảnh bà con dân tộc đi mua sắm. Họ mặc rất đẹp. Các con chị đến đây nhiều lần giờ cũng rất thích đi chợ. Đứa nào cũng mua vài bộ quần áo Mông, Dao để mặc khi đi chợ phiên. Còn với chị, chợ phiên là nơi thư giãn sau 1 tuần làm việc căng thẳng.

 Bà Triệu Mùi Phấy bán hàng ở chợ Thụt hơn 30 năm nay.

Chợ phiên là thế. Người bán hàng mộc mạc đem đến những gì gia đình có. Không bán được thì họ cho, tặng người thân hoặc đem về để gia đình dùng. Quan trọng hơn ai cũng thấy vui vì được sống trong không gian đậm chất làng quê. Giống như câu chuyện của bà Lý Mùi Phấy, ở chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên). Rằng cách đây hơn 30 năm, chợ Thụt chỉ có vài người bán hàng. Bà là một trong số ấy. Đến giờ, phiên chợ một năm họp duy nhất một lần nhưng chưa bao giờ bà vắng mặt. Bà bảo, bà đến không chỉ để bán hàng mà còn gặp gỡ người thân.

Lưu lại gian hàng của bà vài phút, tôi thấy có rất nhiều khách ghé thăm. Người thì hỏi giá: Bà ơi, chiếc áo này giá bao nhiêu? 600.000 đồng. Cả bộ là hơn 1 triệu đồng. Nếu thêm khăn quấn đầu là 2 triệu đồng. Bằng chất giọng lơ lớ của người vùng cao, bà vừa trả lời vừa cầm từng sản phẩm lên giới thiệu một cách say sưa. Cứ thế, người đến gian hàng và trả giá dù rất đông nhưng hầu như chưa thấy ai mua sản phẩm nào. Nhưng bà Phấy vẫn tươi cười với khách hàng, thậm chí gặp khách quen thì câu chuyện của họ còn kéo dài bởi những lời hỏi thăm về gia đình, họ hàng.

Chị Sằm Thị Phùa bán hàng ở chợ phiên Hùng Lợi vui mừng vì bà con dân tộc Mông vẫn gìn giữ trang phục truyền thống.

Tò mò tôi hỏi: Bà ơi, mỗi phiên chợ bà bán được khoảng bao nhiêu tiền? Bà Phấy cười rồi bảo: Bà cũng không tính đâu. Có phiên thì bán được cả bộ quần áo, còn thường thì bán được cái khăn đội đầu, cái yếm, cái tua rua... Nhưng bà thấy vui lắm. Được gặp lại người quen, người cùng dân tộc ở nơi khác đến gian hàng bà hỏi quần áo. Ví như cũng người Dao đỏ, nhưng trang phục của người Dao đỏ ở Na Hang khác một chút trang phục của người Dao đỏ ở Chiêm Hóa. Cái khác nằm ở kích cỡ quả bông len ở hai vạt áo; ở cách thêu khăn đội đầu, cách vấn khăn. Những câu chuyện như thế khiến bà cảm thấy mình có thêm người thân.

Giữa nhịp sống hối hả, chợ phiên - với những nét đặc trưng vẫn tồn tại nhờ những người luôn ngày đêm giữ hồn chợ phiên theo cách riêng. Và trong bộn bề cuộc sống, nếu bạn muốn tìm một chút hoài niệm, một chút ấu thơ hay muốn khám phá văn hóa của mỗi vùng miền thì chợ phiên là nơi không thể bỏ qua.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục