Tết ở bản người Mông

- Vào những ngày này, không khí đón Tết của các hộ đồng bào Mông đen ở khu tái định cư thôn 26, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã vô cùng nhộn nhịp. Đường làng ngõ xóm khang trang, bà con luyện tập văn nghệ để cùng cất cao lời ca, tiếng hát vào dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Vừa cùng con gái sửa sang lại trang phục, bà Giàng Thị Pàng hồ hởi cho biết: Trang phục của phụ nữ Mông đen gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp. Ngoài ra, còn có các phụ kiện đi kèm như vòng cổ, trâm cài đầu bằng bạc. Trang phục này được làm từ vải chàm khá cầu kỳ, có độ bền cao nên người phụ nữ Mông có khi mặc cả đời không rách.

Bộ quần áo này bà để dành mặc vào những ngày quan trọng: lễ, tết, cưới xin... Bởi bộ trang phục này làm rất cầu kỳ và phụ nữ dân tộc Mông mỗi người thường chỉ có một bộ. Đây là bộ bà mặc trong đám cưới, do chính tay bà tự thêu, khâu mất cả năm trời. Hoa văn cầu kỳ lắm. Bà không được ai dạy thêu mà chỉ nhìn người già thêu rồi làm theo. Chỉ tay vào những họa tiết hoa văn, bà chia sẻ: Tất cả đều do trí tưởng. Người Mông nghĩ gì thì thêu cái đấy. Còn đẹp hay không do bàn tay khéo léo của người phụ nữ.

Bà Giàng Thị Pàng và con gái Giàng Thị Sểnh sửa soạn trang phục đón Tết cổ truyền.

Cạnh đó, chị Giàng Thị Sểnh, con gái bà Pàng cũng đang lấy bộ quần áo ra phơi. Chị bảo, giờ quần áo thêu tay ít lắm nên các bà, các chị người Mông đều cẩn thận gìn giữ. Bộ này không những là vật kỷ niệm trong ngày cưới mà còn đi theo suốt cuộc đời chị. Đến khi chết đi, người Mông cũng mặc bộ này để về với tổ tiên. Bởi thế, dù cuộc sống có thay đổi kéo theo là văn hóa ăn, mặc cũng ít nhiều thay đổi nhưng người Mông vẫn lưu giữ bộ trang phục truyền thống với niềm tự hào về văn hóa nguồn cội.

 Múa khèn Mông trong một hội nghị tổng kết của đoàn thể xã năm 2022

Cùng với việc gìn giữ trang phục, đồng bào Mông còn lưu giữ được làn điệu dân ca, dân vũ của người Mông như: Múa khèn, thổi sáo trúc, thổi kèn lá... Chia sẻ về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, chị Nguyễn Thị Lượt, Bí thư chi bộ, trưởng thôn 26 cho biết: Hiện nay, trong các buổi liên hoan văn nghệ của thôn, xã đều có các tiết mục do chính người Mông biểu diễn. Đó là cách để khơi dậy phong trào luyện tập văn hóa, văn nghệ trong nhân dân. Bà rất vui mừng vì hiện nay lớp trẻ cũng biết múa khèn, biết thổi sáo trúc, thổi kèn lá. Đây là hạt mầm ươm lên phong trào văn nghệ ở cơ sở, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc nói chung và văn hóa của người Mông nói riêng.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục