Người phụ nữ Tày thể hiện sự khéo léo khi khâu còn.
Quả còn thường được làm bằng 4 mảnh vải màu ghép lại thành từng múi, được xếp thành 4 góc thể hiện 4 phương hội tụ. Bên trong quả còn được nhồi bằng hạt bông, thóc giống, hạt ngô, cát… mang ý nghĩa về sự no đủ. Chính giữa quả còn được khâu một sợi dây vải bền chắc, dài khoảng 70 đến 90 cm để người chơi cầm, hoặc du khách mang về có thể treo lên làm kỷ niệm.
Chị Ma Thị Sen, dân tộc Tày, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, phụ nữ người Tày hầu như ai cũng biết khâu còn. Từ nhỏ chị đã được bà, mẹ dạy khâu còn. Giờ đây chị dạy lại cho con gái mình. Khâu còn không chỉ để phục vụ trò chơi trong lễ hội truyền thống, mà còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Quả còn to bằng nắm tay, được khâu chắc chắn, rực rỡ sắc màu, khi được tung lên trong trò chơi tung còn thể hiện mong ước về một năm may mắn, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.
Trong các lễ hội, quả còn là lễ vật để cúng dâng lên trời đất, thánh thần, sau đó được đem ra để phục vụ trò chơi tung còn. Các nam thanh nữ tú chơi tung còn đều gửi gắm mong muốn một năm mới thuận lợi, đồng thời xua đi những rủi ro, vận hạn trong năm cũ. Chính vì vậy, người ném thủng vòng tròn trên cây còn là người may mắn. Trò chơi thu hút đông đảo người xem và cổ vũ còn là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng, là dịp để người con trai, con gái được gặp gỡ, tìm hiểu nhau.
Người phụ nữ Tày khâu còn dịp đầu xuân.
Bên cạnh đó, tại lễ hội còn diễn ra cuộc thi khâu còn đẹp. Tham gia thi có thể gồm nhiều đội. Trong một thời gian nhất định, các chị, các cô ở mỗi đội phải khâu xong những quả còn với những nguyên vật liệu ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn. Đội nào khâu còn nhanh, đẹp nhất sẽ giành được chiến thắng.
Chính vì vậy quả còn không chỉ để phục vụ trò chơi trong lễ hội, mà còn trở thành món quà đầu xuân ý nghĩa của du khách gần xa khi đến với những lễ hội truyền thống ở các địa phương trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết