Tiếng Páo dung ở Nà Lạ

- Ở thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang), ai cũng biết đến chị Triệu Thị Phin bởi giọng hát Páo dung mượt mà, say đắm.

Chị Triệu Thị Phin là nòng cốt gìn giữ bản sắc
văn hóa dân tộc Dao ở thôn Nà Lạ

Chị Phin năm nay ngoài 40 tuổi. Páo dung ngấm vào chị từ những ngày thơ bé, khi chị được nghe các bà, các mẹ hát Páo dung vào những buổi liên hoan văn nghệ, ngày lễ, Tết hay trong các buổi thực hành nghi lễ truyền thống của người Dao. Chị Phin cho biết, Páo dung có hai loại hình: Páo dung hát trong tín ngương (Páo dung cổ) và Páo dung hát trong sinh hoạt hàng ngày.

Páo dung lễ nghi tín ngưỡng là các làn điệu cổ được ghi chép thành sách bằng chữ Nôm - Dao. Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn từ đời trước để lại và được các thầy cúng hát trong quá trình hành nghề, thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa. Nội dung các bài hát nghi lễ là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Phổ biến hơn cả là Páo dung hát trong sinh hoạt hàng ngày với nhiều thể loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... Đây là loại hình thể hiện được sự biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát vì thế giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình, được hát không giới hạn về không gian, thời gian.

 Chị Phin chia sẻ, Páo dung rất khó hát, nhưng hát được thì lại vô cùng say, giống như men rượu ngô của người Dao ở đây vậy. Nói rồi chị liền ngân vang làn điệu Páo dung về Tuyên Quang: Đáp tháo à...ơi...ơi......ơi.... họ ơi...ơi...ơi...ì....tòng tổ shâu à ơi....ơi....ơi... giảng ơi...ơi....ơi... phún tỉnh. (Tỉnh, huyện có trường học, các cháu sẽ cố gắng học). Páo dung có vần, điệu, dễ nhớ nhưng rất khó hát. Vì vậy, cùng với năng khiếu bẩm sinh về chất giọng thì cần phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày. Bởi khi hát Páo dung phải ngân rất nhiều, cứ sau mỗi từ phải ngân nga lúc trầm, lúc bổng tạo nên giai điệu da diết, dìu dặt. Đó cũng là sự khác biệt của Páo dung so với làn điệu Then, Cọi, lượn của dân tộc Tày hay Sình ca của Cao Lan.

Chị Triệu Thị Phin (thứ 2 bên phải) cùng các chị em thôn Nà Lạ luyện tập văn nghệ.

Đến nay chị Phin thuộc mấy chục bài hát Páo dung. Buổi biểu diễn văn nghệ nào cũng có sự góp mặt của chị. Chị còn tích cực truyền dạy Páo dung cho các thành viên trong đội văn nghệ thôn Nà Lạ. Chị Lý Thị Mai, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Nà Lạ cho biết, 100% đồng bào ở Nà Lạ là người dân tộc Dao đỏ nên bà con còn duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao đỏ như nói tiếng dân tộc, mặc trang phục truyền thống, hát Páo dung... Tuy nhiên, hiện nay, người biết hát Páo dung chủ yếu là các bà, các mẹ, còn thanh niên biết hát rất ít. Bởi thế, để làn điệu này duy trì và phát triển trong cộng đồng thì rất cần những người như chị Phin.

Páo dung không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục