Khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị

- Học lý luận chính trị là học tập tri thức về chính trị, gồm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Học lý luận chính trị để có tư duy khoa học, phương pháp làm việc biện chứng, để nâng cao bản lĩnh và khả năng giác ngộ cách mạng, vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc và biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực.

Việc học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng và cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”; Theo Người: “Trong Đảng về tư tưởng nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng”.

Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên hiện nay đang “xem nhẹ” việc học tập lý luận chính trị, biểu hiện cụ thể là lười học, ngại học lý luận chính trị, cho rằng đó là việc không cần thiết nên học theo kiểu chống đối, qua loa. Hậu quả là nhận thức chính trị kém, thiếu hiểu biết về nền tảng tư tưởng của Đảng, không nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước dẫn đến lập trường chính trị không vững vàng, hoang mang, dao động, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Lười học lý luận chính trị được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra là 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp khắc phục “căn bệnh” đó là: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên cần khắc phục ngay “bệnh” lười học lý luận chính trị, là cơ sở để không vi phạm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò của lý luận và học tập lý luận chính trị, coi đó là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Học lý luận chính trị không chỉ là học tập trung ở Trường Chính trị tỉnh hay các trung tâm chính trị cấp huyện để được cấp bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ mà còn phải thường xuyên tự học tập, nghiên cứu lý luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vận dụng vào thực tiễn, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cấp ủy; chính quyền; các cơ sở đào tạo lý luận chính trị cần đổi mới nội dung và phương pháp học lý luận chính trị. Đặc biệt, đối với các Nghị quyết chuyên đề, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, cần biên soạn nội dung cốt lõi, ngắn gọn, sử dụng hình thức đồ họa và nhiều hình thức khác dễ hiểu, dễ nhớ để đảng viên nghiên cứu, học tập và thực hiện.

Lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong xây dựng nhận thức và niềm tin đúng đắn vào lý tưởng cộng sản, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị trong Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự học tập, tự nghiên cứu lý luận chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

An Nhiên

Tin cùng dòng sự kiện