Cần cái nhìn công bằng

- Sau những quyết định kỷ luật nghiêm khắc của Đảng đối với những cán bộ thoái hóa biến chất, nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ khỏi đội ngũ những phần tử xấu, làm ô danh cán bộ Đảng và Nhà nước. Những vụ án được đưa ra xét xử với những mức án nghiêm khắc càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân với công tác cán bộ của Đảng.

Tuy nhiên, trong số những cán bộ bị xử lý đó, có không ít những người mà cha ông họ từng giữ những vị trí trọng trách. Điều này làm dư luận không khỏi có những dị nghị. Dường như họ đã được bổ nhiệm và nắm vị trí trọng trách là nhờ vai trò “hậu duệ”. Chiếc áo họ khoác lên người dường như quá rộng với tầm vóc và khả năng của họ nên đã không thể đảm đương được vị trí mà họ nắm giữ, dẫn đến sai phạm, tham ô, tham nhũng… làm thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước.

Hậu duệ hay chuyện “Con ông cháu cha” trong công tác cán bộ không phải chuyện mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói về vấn đề này tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Tổng Bí thư cho rằng, còn tình trạng đó là do cán bộ làm sai, nhưng lại được bao che, hoặc có xử lý cũng chưa nghiêm minh. Chính vì vậy, những hành động, những tiếng nói về công tác tổ chức cán bộ thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc loại bỏ khỏi đội ngũ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được bổ nhiệm trên cơ sở “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và lấy lại lòng tin của nhân dân. Đó là một việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn công bằng, sòng phẳng và minh bạch để những người có “trí tuệ” muốn cống hiến cho đất nước được có cơ hội nắm giữ vai trò, vị trí mà họ xứng đáng, mặc dù họ có nguồn gốc xuất thân từ “hậu duệ”. Bất cứ sự định kiến, thiên vị, bất cứ cách nhìn thiên lệch nào cũng có thể làm nhụt ý chí, gây ra mặc cảm và không công bằng với những nỗ lực cống hiến của họ.

Bạn tôi là một giảng viên đại học có gần 30 năm làm công tác giảng dạy và quản lý. Anh kể rằng: Môi trường giáo dục đại học đã không ít lần phải tiếp xúc và làm việc với những người “có vai vế’. Họ luôn muốn thầy giáo dành sự ưu tiên cho con cái họ trong quá trình học tập để được hơn người. Câu chuyện thật khó xử với một thầy giáo luôn mong muốn có được sự công bằng trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Bởi vì thầy giáo ấy luôn ý thức được rằng:  như vậy sẽ làm tác động xấu đến công cuộc đào tạo đội ngũ cán bộ tương lai cho đất nước.  Làm gì có chuyện sinh viên “Hậu duệ” lười học mà bằng “quan hệ” lại có thể được điểm cao? Rồi còn từ đó được ưu tiên kết nạp vào Đảng? Rồi khi ra trường được chọn chỗ công tác thuận lợi? Rồi là được nâng đỡ trong quá trình bổ nhiệm vì thành tích học tập tốt nhưng không thực chất đó?…

Chuỗi giá trị đó chỉ cần có một sự can thiệp sai lệch sẽ làm hỏng cả một hệ thống và tạo ra một cái vòng luẩn quẩn và những hệ lụy làm nghèo đất nước.

Đã không ít lần, người thầy giáo đã phải xử lý khéo léo những tình huống đó. Một sinh viên lười học, không đủ điều kiện dự thi hết môn đã cầm thư tay của cấp trên đến để ép thầy cho qua môn thi vấn đáp, thầy đã thẳng thắn khuyên em sinh viên đó, rằng:

Nếu lười học mà xin được thi vì có bố mẹ làm to thì chỉ có thể cho đủ để qua, vì đó là điểm dành cho bố mẹ với những mối quan hệ mà họ có được, còn nếu em về học lại thi lại, em vẫn có thể có cơ hội đạt điểm cao bằng nỗ lực của chính mình như tất cả các bạn vì điểm là đánh giá quá trình học của em. Nên nhớ, sự đánh giá không riêng của thầy mà của cả 40 bạn cùng lớp đều biết em đã học hành như thế nào? Nếu 20 – 30 năm nữa họp lớp, em vẫn còn có niềm tự hào được tự đi bằng đôi chân và suy nghĩ bằng trí tuệ của chính mình. Chỉ có những kẻ hèn kém mới dựa dẫm vào bóng của cha mẹ mình hoặc thế lực  nào đó mong mưu cầu được hưởng thụ hơn đồng loại…

Sau những lời khuyên đó, cậu ta đã nghe lời và chấp nhận học lại, thi lại. Về sau này, cậu sinh viên đó luôn có quyền ngẩng cao đầu dù thầy giáo luôn biết bóng của ông bố cậu ta rất lớn trên mỗi bước đường thăng tiến của cậu ta.

Sau chuyện đó, người thầy giáo luôn kể câu chuyện trên và nói với các khóa sinh viên lớp sau rằng: Nếu chỉ vì con ông này cháu bà kia mới được vào trường đại học, được nâng đỡ thăng tiến … thì thầy của các em đã không thể được học hành và trở thành giáo sư tiến sỹ, để hôm nay ngồi đây giảng dạy với các em, vì bố mẹ thầy chỉ là một người nông dân.

Người thầy giáo đó cũng đã kể cho tôi nghe rất nhiều những câu chuyện mà suốt 30 năm giảng dạy thầy đã chứng kiến và kết luận rằng: Đã có rất nhiều những thế hệ “hậu duệ” học ở ngôi trường đó nhưng đa số đều sống rất tự trọng. Không phải thầy cô và bạn bè, ai cũng biết cha mẹ họ làm gì và giữ chức vụ gì bởi vì họ đã nhận thức được bản thân. Họ luôn tự thân học tập rèn luyện tu dưỡng bằng trí tuệ và phấn đấu trưởng thành như những bạn sinh viên khác, như bạn bè của họ. Họ là những người đáng được tôn trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Theo đó, trong những năm qua, Đảng ta đã dành nhiều nỗ lực tăng cường công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Toàn Đảng đã tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ với quan điểm: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Với tinh thần đó thì một cách nhìn nhận đánh giá công bằng, sòng phẳng và minh bạch với những người thuộc “Hậu duệ” sẽ giúp công tác tổ chức cán bộ không bị lệch hướng. Điều quan trọng là Đảng và Nhà nước sẽ có được đội ngũ những cán bộ mang nhiều chất “trí tuệ” phục vụ nhân dân, dù họ có nguồn gốc xuất thân như thế nào.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh

Tin cùng chuyên mục